Hà TĩnhTrong khoảng 7-15 tiếng, 11 thuyền viên tàu Công Thành 7 bám phao bè, vật lộn với sóng lớn, có người đói bụng phải ăn rạm biển để cầm cự.
Hơn 16h ngày 26/5, 11 thuyền viên tàu Công Thành 7 được tàu cứu hộ SAR 631 chở tới cầu cảng số 3 Việt – Lào, thị xã Kỳ Anh, rồi được đưa tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Chưa hết bàng hoàng, thuyền phó Đỗ Sỹ Thường, 47 tuổi, quê Thái Bình, cho biết tàu Công Thành 7 chở 4.900 tấn than từ Quảng Ninh đi vào cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình. Khoảng 20h ngày 25/5, đến biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, sóng mạnh, tàu bỗng phát tiếng động lạ, nước tràn vào mạn trái rồi nghiêng dần.
Máy trưởng Lê Đức Lập đã liên lạc với Đồn Biên phòng cảng Vũng Áng – Sơn Dương xin phép đưa tàu vào neo đậu tại cảng. Nhưng tình hình càng xấu đi, thuyền viên được lệnh mặc áo phao, chuẩn bị nhảy khỏi tàu.

Ông Đỗ Sỹ Thường kể lại khoảnh khắc sinh tồn giữa biển Vũng Áng, chiều 26/5. Ảnh: Đức Hùng
20 phút sau, tàu Công Thành từ từ chìm, mọi người nhảy xuống biển giữa đêm đen kịt, mưa to, gió lớn, sóng mạnh. Ông Thường chờ đến lúc tàu gần chìm hẳn mới lao xuống. Nước lạnh buốt, sóng táp vào mặt khiến ông choáng váng.
Chiếc phao bè khẩn cấp của ông Thường bung ra. Loại phao này hình hộp, kích thước khoảng 3×2 m, có tín hiệu chớp nháy, thường kết nối với áo phao. Nhưng sóng biển và gió mạnh khiến việc leo lên phao rất khó khăn. Hễ bám vào phao được vài chục giây, ông lại bị sóng xô ra.
“Vật lộn hơn hai tiếng tôi mới lên được phao”, ông Thường nhớ lại. Cố giữ thăng bằng trên phao, ông thỉnh thoảng bật đèn tín hiệu và thổi còi cứu hộ từ áo phao, hy vọng có thuyền đánh cá của ngư dân hoặc tàu cứu hộ phát hiện.

Các thuyền viên xúc động sau khi được tàu cứu hộ SAR 631 chở tới cầu cảng số 3 Việt – Lào. Ảnh: Đức Hùng
Các thuyền viên trôi cách nhau chừng 5-10 m, dạt vào vùng biển Quảng Bình. Run cầm cập vì lạnh, ông Thường đã nghĩ “sống được thì may, còn không thì phó thác số phận”. May mắn gần 4h ngày 26/5, tức sau 7 tiếng trôi dạt, thấy tàu cá cách mình vài chục mét, ông thổi còi báo hiệu. Khoảng 10 phút sau, ngư dân tiếp cận, đưa ông lên bờ, bàn giao cho chính quyền.
“Tôi muốn gọi điện cho vợ con báo tin, nhưng không thể nhớ nổi số điện thoại”, ông Thường kể lại. Hơn 20 năm làm nghề lái tàu biển, đây là lần đầu tiên ông đối mặt với khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết. Nghĩ tới 10 đồng nghiệp vẫn mất tích, ông đến ngôi chùa ở gần vùng biển cầu nguyện.
Được cứu sau 15 tiếng lênh đênh trên biển, thuyền viên Nguyễn Nghiêm Chủ, 53 tuổi, kể mỗi đợt sóng vỗ, phao bè lại bị xô nghiêng. Bụng đói cồn cào, tay run run khi nắm dây phao, ông từng nghĩ sẽ không thể sống sót. Thấy con rạm biển trôi gần, ông vội bắt ăn sống để giữ sức.
“Đói, mệt, nhưng tôi luôn cố giữ cho đầu nổi khỏi mặt nước, chờ tia hy vọng cuối cùng. Tới trưa 26/5, khi phát hiện tàu cứu hộ phía xa, tôi mới tin mình còn cơ hội trở về”, ông Chủ nói, mắt đỏ hoe.

Ông Lập (góc phải) mỉm cười sau được cứu, đưa lên bờ an toàn. Ảnh: Đức Hùng
Máy trưởng Lê Đức Lập, 50 tuổi, quê Thái Bình, tính toán sau 15 tiếng lênh đênh trên biển, cả nhóm đã trôi tự do về Quảng Bình vài chục hải lý. Thuyền viên nằm trên phao bè, thỉnh thoảng nói lớn động viên nhau, nhưng đa phần bị tiếng sóng lấn át. “Tôi xác định sẽ chết, nhiều lần tuyệt vọng bật khóc”, ông nói.
Giữa biển, nước táp vào mặt đến mức không mở nổi mắt, bụng quặn lên vì đói, ông Lập lẩm nhẩm nguyện cầu tổ tiên phù hộ cho mình sống để theo nghề lái tàu giúp đỡ gia đình. Lỡ có mệnh hệ gì, mọi gánh nặng lại dồn lên vai vợ.
12h ngày 26/5, thấy tàu cứu hộ SAR 631 cách vài chục mét, ông Lập thở phào, nói lớn với đồng nghiệp đang trôi xung quanh: “Chúng ta sống rồi”.
Thuyền viên Lê Đức Lập kể lại khoảnh khắc tàu chìm. Video: Đức Hùng
Hai ngày qua vùng biển Hà Tĩnh nói riêng, Bắc Trung Bộ nói chung sóng to, gió lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh. Hà Tĩnh mưa kỷ lục. Thống kê của cơ quan khí tượng, ngày và đêm 24/5 có 29/103 trạm ở địa bàn mưa trên 200 mm, 13 trạm trên 300 mm, 7 trạm trên 400 mm. Riêng xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh mưa 601 mm.
Xét lượng mưa trong một giờ, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh tới 172 mm, là lượng mưa một giờ lớn nhất từng ghi nhận. Mưa lớn kèm lũ quét khiến hơn 2.000 tấn lúa đã thu hoạch, chủ yếu ở huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Thạch Hà bị ngấm nước; hơn 2.200 ha lúa xuân bị ngập; gần 12.000 gia cầm và gia súc bị cuốn trôi.
Đức Hùng