
Cả nước hiện có gần 107 triệu thẻ nội địa và 50 triệu thẻ thanh toán quốc tế đang lưu hành, tăng mạnh so với cuối năm ngoái.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), người Việt hiện sở hữu gần 157 triệu thẻ ngân hàng còn hiệu lực, tăng một triệu thẻ trong quý đầu năm. Số lượng thẻ đang lưu hành cao gần gấp rưỡi so với 4 năm trước.
Phát hành thẻ thanh toán quốc tế tiếp tục tăng mạnh. Các tổ chức tín dụng đã phát hành khoảng 1,8 triệu thẻ quốc tế trong quý đầu năm, nâng tổng số lên 50,2 triệu thẻ. Con số này gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021.
Ngược lại, việc phát hành thẻ nội địa có dấu hiệu chững lại. Hệ thống chỉ còn khoảng 107 triệu thẻ thanh toán trong nước, giảm 700.000 thẻ so với cuối năm ngoái và là mức thấp nhất một năm qua.
Giao dịch thẻ (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, gửi tiết kiệm…) thông qua ATM cũng giảm nhẹ trong giai đoạn đầu năm. Người dân đã thực hiện hơn 183 triệu giao dịch với tổng giá trị 662.800 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng so với quý cuối năm ngoái. Trong khi đó, giao dịch qua Internet và mobile banking tăng mạnh khi có 4,47 tỷ giao dịch được thực hiện với giá trị trên 41,8 triệu tỷ đồng.
Theo quy định, các tổ chức được phát hành thẻ gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam và công ty tài chính tiêu dùng.
Người được sử dụng thẻ ghi nợ, tín dụng và thẻ trả trước là cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên. Trẻ em 6-15 tuổi cũng có thể mở thẻ phụ nếu được người giám hộ hoặc đại diện pháp luật đồng ý.
Thẻ không phát sinh giao dịch chủ động từ phía khách hàng trong thời gian dài (6-48 tháng) được các ngân hàng xếp vào diện “ngủ quên” hoặc “ngủ đông”. Trong giai đoạn “ngủ quên” này, tài khoản vẫn nhận tiền lãi không kỳ hạn nếu có số dư trên mức tối thiểu, đồng thời cũng bị trừ các loại phí dịch vụ mà khách hàng đã đăng ký trước đó. Một số khoản phí phổ biến như phí quản lý tài khoản, duy trì tài khoản, phí thường niên dao động từ vài chục nghìn đến triệu đồng (tùy loại thẻ).
Phương Đông