TP HCM đề nghị tạo ‘luồng xanh’ cho sà lan chở cát làm Vành đai 3

TP HCM đề nghị tạo ‘luồng xanh’ cho sà lan chở cát làm Vành đai 3 – rss

Để rút ngắn thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thi công Vành đai 3, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ tạo “luồng xanh” cho sà lan chở cát phục vụ công trình.

Theo công văn UBND TP HCM vừa gửi các đơn vị liên quan, quá trình vận chuyển cát từ miền Tây về phục vụ thi công Vành đai 3 (đoạn qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) đang gặp khó khăn do tình trạng kiểm tra chồng chéo giữa nhiều lực lượng trên các tuyến đường thủy nội địa.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cho dự án đến cuối tháng 9 năm nay ước tính khoảng 3,6 triệu m3. Việc bị gián đoạn vận chuyển có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ thi công toàn tuyến.





Công trường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi, ngày 15/5. Ảnh: Hạ Giang

Công trường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi, ngày 15/5. Ảnh: Hạ Giang

Do đó, chính quyền TP HCM đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (chủ đầu tư) thiết lập “luồng xanh” riêng cho hoạt động vận chuyển cát phục vụ dự án Vành đai 3.

Tỉnh Đồng Nai cùng các lực lượng Công an, Biên phòng, Cảng vụ Đường thủy nội địa được đề nghị thống nhất phương án kiểm soát sà lan chở cát theo nguyên tắc “kiểm tra một lần mỗi lượt vận chuyển”. Kết quả kiểm tra tại trạm đầu sẽ được chia sẻ, công nhận tại các trạm kế tiếp.

Thành phố cũng đề nghị hạn chế kiểm tra lặp lại bằng cách tiếp nhận các hồ sơ có giá trị dài hạn như đăng kiểm, được chủ đầu tư và nhà thầu cung cấp từ trước. Chủ đầu tư được yêu cầu chủ động gửi danh sách phương tiện, lịch trình vận chuyển và hồ sơ liên quan đến các đơn vị chức năng để phối hợp kiểm tra, theo dõi và quản lý đồng bộ.

Trước đó, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được chiều 15/5, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cũng nêu vướng mắc là quá trình đưa cát từ mỏ ở miền Tây về công trường Vành đai 3, sà lan phải qua nhiều trạm kiểm soát với các quy trình lặp lại, gây khó cho nhà thầu. Do đó, đơn vị kiến nghị tổ chức “luồng xanh” dành cho sà lan chở cát về công trường.

Theo ông Phúc, việc này không phải bỏ hẳn kiểm soát, mà vẫn yêu cầu nhà thầu tuân thủ các quy định về tải trọng, giấy tờ, hóa đơn, nguồn gốc cát, nhưng chỉ cần kiểm tra tại trạm đầu và lần lượt thông báo cho các trạm sau để tránh lặp lại thủ tục nhiều lần.





Hướng tuyến Vành đai 3. Đồ họa: Khánh Hoàng

Hướng tuyến Vành đai 3. Đồ họa: Khánh Hoàng

Theo thống kê, tổng nhu cầu cát đắp nền cho tuyến Vành đai 3 đoạn qua TP HCM khoảng 6,6 triệu m3. Tính đến nay, hơn 2,15 triệu m³ đã được huy động về công trường. Trong năm 2025, khối lượng cát cần bổ sung ước tính khoảng 3,75 triệu m3.

Hiện các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre có nhiều mỏ cát đã được cấp phép khai thác, tạo nguồn cung cho dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng thiếu vật liệu này đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến một số gói thầu phía tây thành phố bị chậm.

Vành đai 3 tổng chiều dài hơn 90 km, là tuyến đường liên vùng đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Được quy hoạch hơn 10 năm trước, tuyến đường này trước đó đã hoàn thành đoạn dài 15,3 km qua Bình Dương (Mỹ Phước – Tân Vạn). Một đoạn khác là cầu Nhơn Trạch nối TP HCM, Đồng Nai, dự kiến khai thác cuối tháng 6 tới.

Phần còn lại dài hơn 76 km được 4 tỉnh, thành đầu tư với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ xong năm 2026. Tại TP HCM, tuyến vành đai qua địa bàn dài hơn 47 km, dự kiến cuối năm nay đoạn cầu cạn qua TP Thủ Đức sẽ thông xe.

Giang Anh

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.