Thanh HóaCơ quan chức năng tăng cường lực lượng bảo vệ, lên kế hoạch lắp đặt camera giám sát và các thiết bị chiếu sáng nhằm hạn chế kẻ gian xâm phạm lăng mộ cổ.
Sau việc nhóm người Trung Quốc bí mật đào trộm mộ vua Lê Túc Tông tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa đã yêu cầu những đơn vị trực thuộc tăng cường hơn nữa biện pháp an ninh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các di tích, lăng mộ cổ.

Văn bia cạnh mộ vua Lê Túc Tông đã được xếp hạng bảo vật quốc gia. Ảnh: Lê Hoàng
Cụ thể, sau khi công an hoàn tất thủ tục khám nghiệm hiện trường, Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã bố trí thêm nhân sự bảo vệ, tổ chức tuần tra, cảnh giới liên tục cho 6 khu lăng mộ cổ tại đây. Trung tâm cũng đang lên phương án lắp đặt hệ thống camera an ninh, điện chiếu sáng tại lăng mộ vua Lê Túc Tông nhằm tránh sự việc đáng tiếc tương tự.
Ngày 21/5, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, cho biết, khu di tích Lam Kinh trước đây được đầu tư khoảng 100 camera, lắp đặt ở các vị trí trọng yếu như lăng mộ vua Lê Thái Tổ, chính điện hay các toà thái miếu… giúp công tác an ninh được bảo vệ từ xa.
Tuy nhiên, khu lăng mộ vua Lê Túc Tông và tấm văn bia (đã được xếp hạng bảo vật quốc gia) tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc chưa có camera an ninh do nằm cách xa khu vực trung tâm (khoảng 4 km), đường đi lại khó khăn, địa hình đồi núi hẻo lánh, xa khu dân cư, thiếu điện lưới…
Để khắc phục tạm thời tình trạng này, Trung tâm đã lên phương án lắp hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời và camera không dây. Về lâu dài, Trung tâm sẽ đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để làm đường giao thông vào lăng mộ, kéo điện lưới và các hạng mục phụ trợ khác nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước kẻ gian. Việc này cũng giúp người dân, du khách tham quan thuận tiện hơn.
Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa thống kê, trên địa bàn tỉnh có 79 lăng mộ cổ của các vua chúa, quan lại thời phong kiến gồm 18 lăng mộ đã được xếp hạng di tích quốc gia hoặc quốc gia đặc biệt, 37 lăng mộ là di tích cấp tỉnh và 24 lăng mộ các vị quan chưa xếp hạng.
Sau vụ kẻ gian đào trộm mộ vua Lê Túc Tông, tất cả khu vực này (thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, nhiều huyện thị, thành phố khác nhau) đã được UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu tăng cường tối đa công tác an ninh; không để di tích bị xâm hại, đánh cắp cổ vật.

Mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: Lê Hoàng
Trước đó ngày 28/4, Shen JiangYang, 43 tuổi và Deng ZhiJi 41 tuổi, đều quê ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cùng một đồng phạm đã nhập cảnh Việt Nam với mục đích săn tìm cổ vật ở khu mộ cổ của các bậc vua chúa thời phong kiến hòng đánh cắp đồ tuỳ táng bên trong.
Trong ngày 3/5, các nghi phạm đã săm thăm dò và đào bới khu lăng mộ với một hố sâu 1,6 m, dài 0,9 m, rộng hơn 0,5 m ngay giữa mộ. Nhóm nghi phạm đã phá vỡ tấm bia khắc chữ Hán phía trên.
Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hoá báo cáo, ngoài lăng mộ vua Lê Túc Tông, không phát hiện 5 ngôi mộ cổ của các vua và hoàng hậu nhà Hậu Lê còn lại tại Lam Kinh bị xâm hại.
Công an chưa công bố nhóm trộm đã đánh cắp được cổ vật gì tại đây hay chưa.
Hiện Shen JiangYang và Deng ZhiJi đã bị Công an tỉnh Thanh Hoá khởi tố, tạm giam về tội Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Còn một người Trung Quốc liên quan đã xuất cảnh về nước trước khi vụ việc bại lộ, cơ quan chức năng Việt Nam đang đề nghị nhà chức trách Trung Quốc hỗ trợ để dẫn độ người này nếu đủ căn cứ pháp lý.
Lê Hoàng