Doanh nhân trẻ kiến nghị chính sách để hiện thực hóa khát vọng phát triển

Doanh nhân trẻ kiến nghị chính sách để hiện thực hóa khát vọng phát triển – rss

nghị quyết 68 - Ảnh 1.

Sản xuất hoa lan hồ điệp tại Đà Lạt – Ảnh: M.V.

Nhiều doanh nhân trẻ đang khởi nghiệp với khát vọng làm giàu bền vững, vươn ra thị trường quốc tế kiến nghị chính sách hỗ trợ nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển doanh nghiệp, góp phần đưa đất nước thành quốc gia thịnh vượng sau khi nghị quyết 68 được ban hành; đặc biệt là khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuẩn bị phát động phong trào thi đua làm giàu trong toàn dân (ngày 18-5).

Giải thưởng đặc biệt cho doanh nghiệp tiêu biểu

Anh Hoàng Danh Hữu – giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nông trại Ede (Miss Ede, TP Buôn Ma Thuột) – chia sẻ về hành trình 6 năm khởi nghiệp từ con số 0 đến hai lần xuất khẩu cà phê ra quốc tế.

“Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thiếu mặt bằng sản xuất phù hợp để phát triển bền vững. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (SME) của Việt Nam rất cần chính sách đất đai công khai, minh bạch để được tiếp sức đúng lúc”, anh nói.

Anh Hữu kiến nghị nên có cơ chế minh bạch gắn kết giữa các cuộc thi khởi nghiệp với chính sách đất đai. Những doanh nghiệp tiêu biểu cần được trao quyền tiếp cận mặt bằng sản xuất như một “giải thưởng đặc biệt”, dựa trên tiêu chí về ESG (môi trường – xã hội – quản trị), hiệu quả kinh tế và đổi mới sáng tạo.

Theo anh, đầu tư cụm công nghiệp quy mô vừa, phát thải thấp, dành riêng cho SME chế biến nông sản sẽ là nền tảng để hình thành chuỗi giá trị xanh, nâng tầm thương hiệu Việt.

Doanh nhân trẻ kiến nghị chính sách để hiện thực hóa khát vọng phát triển - Ảnh 3.

Anh Hoàng Danh Hữu, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nông trại Ede (Miss Ede, TP Buôn Ma Thuột) – Ảnh: TRUNG TÂN

Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn hoạt động trong các xưởng nhỏ xen kẽ khu dân cư, hạ tầng thiếu đồng bộ, hệ thống xử lý môi trường chưa đạt chuẩn.

Trong khi đó thị trường quốc tế ngày càng siết tiêu chuẩn phát thải, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận ESG.

“Chúng tôi mong tỉnh đầu tư cụm công nghiệp quy mô vừa, phát thải thấp, dành riêng cho SME (Small and Medium Enterprise, tức doanh nghiệp nhỏ và vừa) chế biến cà phê và nông sản – ngành có lợi thế của địa phương. Đó sẽ là nền tảng hình thành chuỗi giá trị xanh, nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế”, anh Hữu nhấn mạnh.

Anh đề xuất thí điểm giao đất sản xuất có điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương tiêu biểu đã thương mại hóa sản phẩm, có thị trường rõ ràng tại những khu vực hạ tầng sẵn có hoặc dễ cải tạo.

Đồng thời có thể xem mặt bằng sản xuất là “giải thưởng đặc biệt” cho doanh nghiệp tiềm năng, dựa vào kết quả các cuộc thi khởi nghiệp. Áp dụng đánh giá định kỳ theo tiêu chí ESG, hiệu quả kinh tế, đổi mới sản phẩm, tạo việc làm. Doanh nghiệp không đạt sau một thời gian sẽ bị điều chỉnh quyền sử dụng đất để tránh lãng phí.

Bên cạnh đó việc đầu tư cụm sản xuất sạch có hệ thống xử lý môi trường tập trung cho SME là giải pháp tiết kiệm, chủ động hơn nhiều so với xử lý khi sự cố đã xảy ra.

Doanh nghiệp trẻ khát khao tài nguyên kinh doanh

Từ Phú Yên, anh Trần Văn Vũ – chủ Công ty cổ phần Organic Nopal Việt Nam tại thị xã Đông Hòa, khởi nghiệp trong lĩnh vực mỹ phẩm nông nghiệp – nêu thực trạng: “Nhiều doanh nghiệp trẻ chết yểu vì không thể quảng bá sản phẩm, duy trì doanh thu”.

Công ty anh chiết xuất mỹ phẩm từ xương rồng, mỗi tháng bán khoảng 1.500 sản phẩm, nhưng gặp khó vì thiếu hỗ trợ truyền thông sản phẩm và kỹ năng bán hàng. Anh Vũ mong muốn chính quyền hỗ trợ mở lớp dạy livestream bán hàng, sáng tạo nội dung, chụp quay video để đăng lên các nền tảng như Facebook, TikTok.

“Cạnh tranh giữa hàng ngàn sản phẩm, nếu không có chiến lược truyền thông tốt thì doanh nghiệp rất dễ bị lu mờ”, anh nói.

nghị quyết 68 - Ảnh 4.

Anh Trần Văn Vũ, chủ Công ty cổ phần Organic Nopal Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực mỹ phẩm nông nghiệp tại Phú Yên – Ảnh: MINH CHIẾN

Bên cạnh đó, anh Vũ đề xuất các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp trẻ, miễn thuế thu nhập 5 năm đầu, cho thuê đất dài hạn, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch – nông nghiệp. Đồng thời cần tổ chức các cuộc gặp gỡ kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương, theo hướng đôi bên cùng có lợi.

“Cơ quan địa phương có thể trải nghiệm sản phẩm, giới thiệu tại các hội nghị. Doanh nghiệp có thu nhập thì đóng thuế, tạo việc làm, đồng hành với địa phương”, anh khẳng định.

Trong khi đó anh Đặng Thế Truyền – giám đốc Công ty TNHH Camlamonline (chuyên chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ xoài ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) – nhận định: “Khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ là thiếu vốn và kinh nghiệm. Nhà nước nên hỗ trợ kết nối với các kênh tiêu thụ, hệ sinh thái khách hàng, để sản phẩm khởi nghiệp lan tỏa và đứng vững trên thị trường”.

Giám đốc trẻ này đề xuất phát triển mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp, tận dụng sản vật địa phương để tạo sản phẩm trải nghiệm, hướng đi giúp các doanh nghiệp SME mở rộng thị trường và hợp tác tiêu thụ.

nghị quyết 68 - Ảnh 5.

Anh Đặng Thế Truyền, giám đốc Công ty TNHH Camlamonline (chuyên chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ xoài ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) – Ảnh: TRẦN HOÀI

Còn Nguyễn Xuân Phương Ngân – sinh viên sáng lập dự án Marinet (sàn thương mại điện tử thủy sản) – cho biết dù dự án đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nhưng chưa triển khai được vì thiếu đầu tư và cố vấn. 

“Khởi nghiệp hiện nay rất cần kết nối với doanh nghiệp lớn để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, đưa dự án vào thực tiễn”, Phương Ngân nói.

Hướng tới môi trường khởi nghiệp công bằng, sáng tạo

Từ Nghị quyết 68, doanh nghiệp trẻ tâm tư: dễ chết yểu vì thiếu tài nguyên kinh doanh - Ảnh 4.

Anh Phan Thanh Sang, giám đốc Trang trại YSA Orchid Farm (Đà Lạt) – Ảnh: M.V.

Anh Phan Thanh Sang – giám đốc Trang trại YSA Orchid Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng) – nhìn nhận: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp như chúng tôi đang chịu nhiều ràng buộc từ các chính sách chưa đồng bộ. Cần có khung pháp lý phù hợp để phát triển mạnh, đặc biệt trong ngành hoa Đà Lạt đang bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm ngoại nhập”.

Anh Sang đánh giá nghị quyết 68 cùng các chính sách đi kèm nếu được thực hiện tốt sẽ chuyển vai trò của cơ quan chức năng từ quản lý sang phục vụ, tạo môi trường công bằng và sáng tạo cho doanh nghiệp trẻ. Đồng thời hỗ trợ nhập khẩu giống mới, tiếp cận vốn và mở rộng thị trường, đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất hoa của châu Á.

Anh đề xuất xây dựng trung tâm công nghệ sinh học, phát triển vùng nguyên liệu giống hoa chất lượng cao, tạo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và thị trường quốc tế.

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.