TAND Tối cao đề xuất không bỏ quy định chánh án trả lời chất vấn

TAND Tối cao đề xuất không bỏ quy định chánh án trả lời chất vấn – rss

Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị giữ quy định chánh án tòa án cấp tỉnh phải trả lời chất vấn trước hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân, đã thể hiện nội dung trên.

Cụ thể, khi thảo luận tổ, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định “chánh án tòa án cấp tỉnh trả lời chất vấn trước hội đồng nhân cấp tỉnh”.

Tòa án nhân dân Tối cao thấy rằng hiện nay chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ trả lời chất vấn trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Vấn đề giữ quy định chất vấn chánh án có liên quan quy định của Hiến pháp. Khi góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, Tòa án nhân dân Tối cao đã đề nghị giữ nhiệm vụ chất vấn của chánh án tòa án cấp tỉnh.

Vì vậy trên cơ sở kết quả sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ nêu trên trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thay vì bổ sung vào luật này để tránh trùng lặp.





Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Phạm Thắng

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Phạm Thắng

Trước đó, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đề xuất bãi bỏ quy định quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân với chánh án, viện trưởng Viện kiểm sát.

Theo giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thực tế việc chất vấn chánh án và viện trưởng chỉ thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện. Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức tòa án và viện kiểm sát cấp huyện mà thay thế bằng các tòa án và viện kiểm sát khu vực. Các cơ quan này không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có hội đồng nhân dân ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến phản biện của đại biểu khi thảo luận tổ và tại hội trường.

“Vì sao phải bỏ quyền chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân với chánh án và viện trưởng?”, thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM đặt vấn đề khi đề nghị giữ lại quyền chất vấn chánh án, viện trưởng.

Ông Hoàng cho rằng cách giải thích trong tờ trình của cơ quan soạn thảo “chưa rõ”; lấy việc tiếp xúc, giám sát của đại biểu hội đồng nhân dân với các cơ quan để thay thế quyền chất vấn thì “e rằng không hợp lý”.

Tướng Hoàng phân tích, với các đại biểu Quốc hội, theo đúng quyền hạn có thể gặp bộ trưởng để yêu cầu giải quyết vấn đề. “Nhưng trên thực tế có bao nhiêu đại biểu có điều kiện gặp để đề nghị giải quyết vấn đề hay chưa?”, ông nói.

Theo ông, đại biểu cơ quan dân cử ở địa phương càng khó được tiếp xúc với chánh án và viện trưởng. Vì thế, quy định về quyền chất vấn chính thức “là điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát, chất vấn những chức danh này”.

“Nên giữ lại quyền chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân với chánh án và viện trưởng viện kiểm sát”, GS Nguyễn Thiện Nhân góp ý. Theo ông, Hội đồng nhân dân là cơ quan dân bầu cử trực tiếp, đại diện cho lợi ích và quyền lợi người dân. Theo ông, bất cứ hệ thống nào “nếu không có sự giám sát của nhân dân đều có nguy cơ dẫn đến độc quyền và tha hóa”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn nếu bỏ quyền chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân với chánh án, viện trưởng thì người bị oan sai sẽ “nhờ cậy ai bảo vệ quyền lợi?”.

Vũ Tuân

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.