
Trung Quốc ngày 18/5 thông báo áp thuế chống bán phá giá lên tới 74,9% với nhựa kỹ thuật nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật và Đài Loan.
“Các sản phẩm nhựa POM copolymer có xuất xứ Mỹ, Liên minh châu Âu, Đài Loan và Nhật Bản đã bị bán phá giá tại thị trường Trung Quốc, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Vì thế, cơ quan này áp mức thuế cao nhất 74,9% với loại nhựa này nhập từ Mỹ. Hàng từ Liên minh châu Âu (EU) chịu thuế 34,5%.
Các sản phẩm Nhật Bản bị áp 35,5%, trừ tập đoàn Asahi Kasei có mức riêng là 24,5%. Với Đài Loan, mức thuế chung là 32,6%, riêng Formosa Plastics chỉ chịu 4% và Polyplastics Taiwan là 3,8%.
Thuế này có hiệu lực từ ngày 19/5 và kéo dài trong 5 năm, China Daily cho biết.
Động thái này khép lại cuộc điều tra khởi xướng từ tháng 5/2024. Trung Quốc điều tra nhựa nhập khẩu không lâu sau khi Mỹ tăng mạnh thuế với xe điện, chip máy tính và các mặt hàng khác từ nước này.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết POM copolymer là loại nhựa kỹ thuật có thể phần nào thay thế các kim loại như đồng và kẽm. Nhựa này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như phụ tùng ôtô, thiết bị điện tử và y tế. Tháng 1, cơ quan này từng kết luận sơ bộ rằng hành vi bán phá giá có tồn tại, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời từ ngày 24/1.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc vừa hạ nhiệt tuần trước. Ngày 12/5, Mỹ – Trung Quốc thông báo đạt thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán cấp cao đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ). Theo đó, trong 90 ngày tới, thuế nhập khẩu Mỹ áp lên hàng Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30%. Tương tự, hàng Mỹ vào Trung Quốc được giảm thuế từ 125% về 10%. Các rào cản phi thuế quan cũng được gỡ bỏ.
Ngày 16/5, tờ Global Times (Trung Quốc) viết rằng thỏa thuận này nên được gia hạn. “Hy vọng phía Mỹ tiếp tục phát huy kết quả từ vòng đàm phán gần đây và tìm được tiếng nói chung với Trung Quốc”, tờ này viết.
Hà Thu (theo Reuters)