
Cán bộ ngành bảo hiểm xã hội hướng dẫn người dân làm thủ tục tại tỉnh Bắc Giang – Ảnh: HÀ QUÂN
Số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm hơn 26%
Tin tức từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 18,8 triệu người (tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2024). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 15,3 triệu người (tăng trên 8%).
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2024, việc giải quyết hưởng mới chế độ hằng tháng tăng trên 37%, số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm hơn 26% – tín hiệu tích cực đối với hệ thống an sinh xã hội.
Cơ quan bảo hiểm xã hội lý giải kết quả xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế kịp thời.
Toàn ngành đã kết nối với hơn 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngoài ra, hơn 621.000 doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Toàn quốc cũng có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập ứng dụng VssID (ứng dụng Bảo hiểm xã hội số) với trên 5,5 triệu lượt dùng thẻ bảo hiểm y tế trên VssID để khám chữa bệnh.
Tại kỳ chi trả tháng 4-2025, ngành chi trả không tiền mặt tới gần 80% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, qua đó người dân nhận tiền kịp thời, chính xác, minh bạch.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế, Bộ Công an đang thí điểm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiến tới triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Đề xuất tăng nặng xử phạt vi phạm về chứng khoán
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo đó, dự thảo đề xuất sẽ tăng mức phạt và bổ sung hình thức xử phạt như đình chỉ giao dịch có thời hạn, đình chỉ hoạt động môi giới đối với các hành vi như thao túng, lạm dụng tài sản khách hàng, cho mượn tài khoản, vi phạm trong chào bán riêng lẻ, ký quỹ.
Đồng thời tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm có rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc quyền lợi của nhà đầu tư như: vi phạm về chào bán riêng lẻ, vi phạm về giao dịch ký quỹ, vi phạm của người hành nghề chứng khoán;
Nâng mức phạt, bổ sung chế tài đối với vi phạm về giấy phép kinh doanh chứng khoán, hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải báo cáo, chấp thuận trước khi thực hiện nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo quản lý các hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cần có sự chấp thuận, cấp phép của Ủy ban Chứng khoán.

Sàn giao dịch chứng khoán – Ảnh minh họa
Ngoài ra dự báo cũng đề xuất nâng hình thức xử phạt bổ sung là tăng thời hạn đình chỉ giao dịch có thời hạn đối với một số hành vi nhất định như hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng (thời hạn đình chỉ lên mức tối đa trong xử phạt hành chính);
Hành vi vi phạm về báo cáo khi giao dịch vi phạm của cổ đông lớn, của người nội bộ, người có liên quan có khối lượng lớn (thời hạn đình chỉ đến mức tối đa trong xử phạt hành chính đối với vi phạm có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên)…
Hãng sữa Kun chi hàng trăm tỉ thâu tóm gần 35% cổ phần một công ty khác
Công ty cổ phần Sữa quốc tế Lof (IDP) – chủ thương hiệu sữa Kun – vừa công bố nghị quyết của hội đồng quản trị về thông qua việc đầu tư 144 tỉ đồng vào Công ty cổ phần Hồ Toản.
Theo đó, Sữa quốc tế Lof dự kiến nhận chuyển nhượng 7,2 triệu cổ phần từ cổ đông hiện hữu của Công ty Hồ Toản, tương đương 34,29% vốn điều lệ của công ty này.
Với giá nhận chuyển nhượng là 20.000 đồng/cổ phần, Sữa quốc tế Lof sẽ chi khoảng 144 tỉ đồng để có thể nhận chuyển nhượng.
Theo nghị quyết, chi tiết phương thức, thời gian thực hiện và các vấn đề liên quan đến giao dịch sẽ được quy định trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông hiện hữu của Hồ Toản và Sữa quốc tế Lof.
Công bố thông tin sai lệch, Tập đoàn Đua Fat bị phạt nặng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với Công ty cổ phần Tập đoàn Đua Fat.
Với danh sách vi phạm dài, tổng số tiền phạt với doanh nghiệp này lên tới 470 triệu đồng.
Ngoài lỗi không công bố thông tin phải công bố, Đua Fat còn công bố thông tin nhưng không đầy đủ nội dung như chưa trình bày giao dịch tạm ứng và hoàn ứng với người nội bộ (bà Nguyễn Thị Thùy Linh – HĐQT) hay giao dịch với bà Trần Thị Hồng Nhung – người có liên quan của ông Lê Duy Hưng (chủ tịch HĐQT)…
Đáng chú ý, công ty này còn công bố thông tin sai lệch về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 tại các báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4-2021, quý 4-2022, quý 4-2023 và bán niên năm 2024 so với báo cáo tài chính năm 2021, 2022, 2023 đã được kiểm toán và báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 đã được soát xét.
Đua Fat còn bị phạt do vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.
Cụ thể công ty đã cung cấp khoản vay cho Công ty TNHH Vĩnh Hóa (tổ chức có liên quan đến ông Lê Văn Thịnh – cổ đông của công ty) và Công ty cổ phần logistics Lê Gia (tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Hiệp – cổ đông của công ty).

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 16-5. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay 16-5

Tàu Hoa Phượng Đỏ