
Sau 24 năm làm việc tại BMW Đức, ông Võ Quang Huệ trở thành người tiên phong đưa Bosch vào Việt Nam khi Trung Quốc đang là lựa chọn đầu tư. Ông không chỉ thuyết phục tập đoàn Đức xây dựng nhà máy linh kiện mà còn thành lập trung tâm R&D đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á – mở ra làn sóng FDI chất lượng cao gắn với đào tạo kỹ sư Việt. Trong buổi trò chuyện với VnExpress, ông chia sẻ bí quyết thuyết phục thế giới tin vào Việt Nam và cách đưa ông đi từ BMW, Bosch tới VinFast tới tinh thần “không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa”.
– Ông là một trong số ít chuyên gia Việt Nam từng làm việc nhiều năm tại các tập đoàn kỹ thuật hàng đầu ở châu Âu, rồi trở về đóng góp vào một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của đất nước. Nhìn lại hành trình thì nền móng gia đình, tuổi thơ bôn ba giữa thời chiến… đã ảnh hưởng thế nào đến những lựa chọn của ông?
– Quá trình trưởng thành là giai đoạn rất đặc biệt trong đời tôi. Lúc tôi 6 tuổi, ba tôi không đi tập kết ra Bắc mà chọn ở lại miền Trung hoạt động nên bị truy nã. Ông phải rời Quảng Nam ra Huế lánh nạn. Tôi là con trai trưởng nên đi theo ba, còn mẹ và hai em gái ở lại quê.
Ký ức tôi nhớ nhất là ánh mắt ba mẹ khi chia tay – không biết tương lai. Ở Huế, tôi tự lo mọi thứ: ăn ở, học hành, đi lại. Ba tôi vừa lánh nạn vừa tìm cách sinh sống, nên tôi buộc phải tự lập từ nhỏ. Chính những năm tháng đó đã rèn cho tôi khả năng thích nghi.
Hồi ấy tôi không hiểu nhiều. Ba cũng không nói. Tôi chỉ biết ông là người phải trốn đi đâu đó. Nhưng tôi nhớ có những đêm ông lén bật đài Mặt trận, tưởng tôi đã ngủ. Dần dần, tôi nhận ra ba là người gắn bó với cách mạng. Ở miền Nam thời ấy có câu: “Ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản”. Có lẽ ba tôi là một trong số đó.
Sau này, khi học trung học ở Sài Gòn, tôi bị tác động mạnh từ hai người bạn thân. Một người là cháu của tướng Đỗ Cao Trí – tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người còn lại – mãi về sau tôi mới biết – là chiến sĩ biệt động thành. Đứng ở giữa hai thế giới ấy, tôi chịu ảnh hưởng từ cả hai: một người rủ đi chơi, người kia rủ đi biểu tình. Tôi lúc đó chưa có nhận thức rõ ràng.
Nhưng vào những năm cuối trung học, khi tận mắt chứng kiến cảnh đàn áp sinh viên và phong trào Phật giáo, tôi bị tác động rất mạnh. Tôi bắt đầu hỏi ba và được ông kể nhiều hơn. Ông nói: “Làm gì cũng phải gắn bó với đất nước. Không thể đồng tình với việc Mỹ can thiệp, gây ra cuộc chiến như vậy cho dân tộc mình”. Từ đó, tôi được định hình về tư tưởng.
Xong trung học, tôi được chọn đi du học. Ban đầu tôi định chọn Pháp, nhưng vì phong trào sinh viên Việt Nam yêu nước bên đó lúc đó rất mạnh, chính quyền miền Nam tạm ngừng chương trình. Tôi chuyển sang Đức – vô tình lại là một lựa chọn rất phù hợp, vì tôi mê cơ khí, mê xe, mà Đức lại là cái nôi của ngành này.
Ở Đức, tôi gặp các anh qua trước, có anh Bùi Văn Nam Sơn – một đồng hương Quảng Nam, cũng là người dẫn dắt phong trào phản chiến tại đó. Các anh đưa tôi tham gia các nhóm họp kín, giới thiệu tôi với phong trào sinh viên Việt Nam tại Đức phản đối chiến tranh Việt Nam. Tinh thần đó đã sẵn trong người, nên tôi tham gia rất năng nổ.
– Sau khi đất nước thống nhất, chặng đường tiếp theo của ông ở Đức diễn ra như thế nào, thưa ông?
– Sau năm 1975, phong trào phản chiến ở Đức chuyển hướng rất nhanh. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc góp phần xây dựng đất nước.
Ngoài học tập, chúng tôi còn làm đủ cách để hỗ trợ Việt Nam – nhất là trong thời kỳ cấm vận. Có nhóm tìm cách gửi thiết bị, máy tính, máy móc về cho các cơ quan nghiên cứu trong nước. Có nhóm lo mua hàng hóa, thuốc men. Có nhóm phụ trách chuyển tiền về hỗ trợ các địa phương.
Năm 1979, tôi được cử phụ trách phó trưởng đoàn Việt kiều ở Đức về thăm quê hương. Đó là lần đầu tiên tôi trở lại sau ngày thống nhất. Gia đình tôi khi ấy cũng gặp nhiều khó khăn do những biến động trong giai đoạn chuyển giao. Nhiều người thân khuyên tôi nên ở lại Đức thêm một thời gian, đợi thời điểm thích hợp hơn để về nước.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, rồi đi đến quyết định: tiếp tục ở lại Đức rèn luyện khả năng chuyên môn. Tôi bắt đầu làm tại BMW – một tập đoàn sản xuất ôtô nổi tiếng ở Đức. Nơi này đã giúp tôi tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và cả sự tự tin cho hành trình dài hơn sau này.
Tôi vẫn tin đó là lựa chọn đúng. Những năm tháng ở lại Đức không phải là để xa rời quê hương, mà là để chuẩn bị cho một hành trình trở về có ích hơn. Như tôi từng viết trong sách: “Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa”.
Nếu không có quãng thời gian rèn luyện ở BMW, tôi đã không có đủ năng lực và uy tín để được mời về xây dựng Bosch Việt Nam, rồi sau đó là tham gia dự án ôtô “made in Vietnam” của VinFast – một giấc mơ lớn của ngành công nghiệp đất nước.
– Từ khi nào suy nghĩ về việc trở về nước rõ ràng hơn với ông?
– Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về chuyện trở về từ năm 1994. Khi đó, tôi đã có 12 năm làm việc tại BMW và được mời tham gia điều hành một dự án lắp ráp xe BMW tại Hà Nội.
Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt. Trở lại Việt Nam, đứng giữa xưởng lắp ráp những chiếc xe Đức đầu tiên trên đất Hà Nội, tôi cảm nhận rõ ràng tiềm năng của ngành công nghiệp ôtô trong nước – và cả khoảng cách rất lớn về công nghệ, tay nghề, quy trình. Lúc ấy, trong đầu tôi đã có suy nghĩ: ngày nào đó mình sẽ về lại hẳn.
Nhưng khi về, tôi cũng nhận ra tay nghề của mình còn hạn chế. Tôi chủ yếu làm nghiên cứu, chưa thực sự va chạm nhiều với sản xuất nên tôi quyết định quay lại Đức, tập trung học hỏi những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất thiếu và sẽ cần: kỹ thuật sản xuất, chuỗi cung ứng, quản lý mua hàng, quản trị chất lượng.
Dù chưa trở về ngay, tôi vẫn tìm cách đóng góp từ xa. Tôi viết bài phản biện, gửi kiến nghị chính sách, tham gia cùng các chuyên gia Nhật xây dựng lộ trình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Tôi cũng cộng tác với một số tờ báo để chia sẻ góc nhìn chuyên môn.
– Cột mốc nào khiến ông dứt khoát trở về và gắn bó lâu dài với Việt Nam?
– Thời điểm tôi chính thức quyết định trở về là sau bảy năm làm việc tại Ai Cập cho BMW. Theo quy định, sau nhiệm kỳ, tôi phải quay về trụ sở chính ở Munich để nhận nhiệm vụ mới. Nhưng lúc ấy, tôi bắt đầu tự hỏi: “Về Đức để làm gì?”. Đó là lúc tôi nghĩ trở lại Việt Nam.
Tôi định bụng: “Cứ về trước, rồi mình sẽ tìm cơ hội làm điều gì đó. Chắc chắn sẽ có việc để làm”. Lúc đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ sau Đổi mới, nên tôi tin rằng trở về là đúng thời điểm.
Không ngờ, trong chuyến bay về thăm nhà, quá cảnh ở Singapore, tôi tình cờ gặp một người đang làm việc tại Bosch. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi ở sân bay lại mở ra một cánh cửa lớn: Bosch đang muốn mở chi nhánh tại Việt Nam và cần người dẫn dắt.
Ban đầu, tập đoàn định đưa tôi sang Stuttgart, trụ sở chính ở Đức, để học hỏi trước khi triển khai tại Việt Nam. Nhưng tôi đề nghị được sang Trung Quốc – nơi có điều kiện phát triển tương đồng với Việt Nam nhất.
Công tác ở BMW, tôi đã đi qua rất nhiều nước, nhưng chuyến đi Trung Quốc đó rất khó quên. Bước vào khách sạn ở Thượng Hải, nhìn xuống thành phố từ trên cao, tôi sững sờ trước tốc độ phát triển của họ và bỗng sôi sục: “Khi nào Việt Nam được như vậy?”.
Tôi muốn tận mắt thấy họ đang làm gì, từ nhà máy, chuỗi cung ứng đến liên doanh với các đối tác nội địa. Mỗi ngày tôi đều ghi chép lại từng bài học, từng mô hình, từng điểm khác biệt. Tôi phát hiện đằng sau sự phát triển đó là một chiến lược học hỏi có chủ đích.
Họ buộc các tập đoàn quốc tế khi vào phải liên doanh với doanh nghiệp nội địa. Qua đó, họ dần học được công nghệ, xây dựng năng lực nội sinh và song hành phát triển. Quan trọng hơn, họ đầu tư rất mạnh vào R&D và con người. Đó là điều tôi tin Việt Nam cũng cần đi theo nếu muốn phát triển bền vững.
Lúc đó, Bosch chỉ định mở công ty chi nhánh nhập khẩu và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Nhưng trong chuyến tìm hiểu hoạt động của Bosch tại Trung Quốc, tôi phát hiện họ đang chuẩn bị đầu tư vào một nhà máy linh kiện ôtô công nghệ cao liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc. Trước đó, Bosch đã đầu tư hơn một tỷ USD tại đây.
Trong đầu tôi liên tục bật lên các câu hỏi: “Tại sao không phải ở Việt Nam? Tại sao không? Tại sao không?”. Tôi biết, trước khi áp dụng những bài học của Trung Quốc, đầu tiên phải nắm cơ hội trong tay. Mục tiêu của tôi lúc đó là kéo đề án về Việt Nam.

– Hành trình thuyết phục đưa dòng vốn FDI châu Âu lớn nhất thời điểm đó về Việt Nam của ông diễn ra như thế nào?
– Kết thúc chuyến đi, tôi đề xuất Bosch đưa dự án đầu tư tại Trung Quốc về Việt Nam. Lãnh đạo Bosch lập tức bác bỏ là… “viển vông”. Lúc đó, vào năm 2007, Việt Nam thậm chí còn không so được với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia… Tôi không tranh luận. Tôi chọn cách âm thầm chuẩn bị.
Tôi tìm cơ hội mời lãnh đạo Bosch sang Việt Nam. May mắn thay, ông ấy từng là sinh viên Đức tham gia phong trào phản chiến, nên có sự đồng cảm nhất định với Việt Nam. Tôi không thể quên buổi nói chuyện giữa tôi và ông ấy ở khách sạn Caravelle. Tôi đã chỉ cho ông ấy thấy khách sạn Continental bên kia đường – nơi khởi đầu cho cuốn sách Người Mỹ trầm lặng. Tôi kể với ông về một dân tộc vừa bước ra khỏi chiến tranh, khát khao hoà bình và đang nỗ lực hết sức để vươn lên.
Tôi nói: “Tôi sẽ làm hết sức mình để Bosch Việt Nam thành công. Vì thành công đó cũng là thành công của người dân tôi – sẽ có thêm hàng nghìn công ăn việc làm. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc”.
Tuy nhiên, ông ấy nêu rõ những băn khoăn lớn. Muốn đặt nhà máy, Bosch cần bốn yếu tố cốt lõi: chuỗi cung ứng mạnh, nhân lực kỹ thuật cao, hạ tầng đủ tiêu chuẩn công nghiệp, và môi trường pháp lý vững chắc. Việt Nam khi ấy hầu như chưa đạt được yếu tố nào.
Tôi nghĩ mình phải thuyết phục từng bước. Tôi mời ông đi thăm Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Đại học Bách khoa và nói: “Người Việt Nam rất giỏi toán, logic, giỏi kỹ thuật. Họ chỉ thiếu điều kiện để chứng minh khả năng của mình”.
Tôi lấy chính mình làm minh chứng: từng làm việc ở trung tâm nghiên cứu BMW, từng là thành viên hội đồng thẩm định Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Đức. Tôi hiểu rõ yêu cầu cực kỳ khắt khe với linh kiện ôtô và tôi tin kỹ sư Việt Nam có thể làm được nếu có cơ hội.
Về dữ liệu, tôi dành 2 tháng gom nhặt, so sánh để chứng minh Việt Nam là nơi sản xuất có chi phí rẻ trong khu vực. Tôi thành lập một nhóm nghiên cứu nhỏ, âm thầm làm việc. Chúng tôi đọc hàng chồng hồ sơ, phân tích luật đầu tư, chính sách công nghiệp và môi trường pháp lý của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Tôi lập bảng so sánh chi tiết: đâu là điểm cộng, đâu là điểm trừ. Kết quả không bất ngờ: Việt Nam trừ nhiều hơn cộng.
Nhưng rồi tôi nhận ra một thứ cực kỳ khác biệt – đó là chìa khoá thuyết phục. Ở Việt Nam, Bosch có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài mà không cần liên doanh, không phải chuyển giao công nghệ như ở Trung Quốc.
Không đầy 8 tháng sau khi Bosch Việt Nam được thành lập, tập đoàn quyết định chọn Long Thành, Đồng Nai là nơi đặt nhà máy – với mức đầu tư gần 400 triệu USD.
– Sau khi thuyết phục thành công Bosch mở công ty sản xuất linh kiện ở Việt Nam thay vì Trung Quốc, ông tiếp tục đề xuất xây dựng một trung tâm nghiên cứu đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á, đặt ở Việt Nam. Ông đã làm việc đó bằng cách nào?
– Hơn 24 năm làm việc tại trung tâm nghiên cứu của BMW đã cho tôi một nền tảng quý giá về cách thức vận hành R&D hiệu quả. Trong số nhiều mô hình, hay nhất là cách Đức kết nối một hệ sinh thái khép kín và bền chặt giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và nhà nước.
Ở Đức, các tập đoàn lớn như BMW hay Bosch không chỉ chi hàng tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển, mà còn dành hẳn 20-30% ngân sách R&D để đầu tư trực tiếp vào các trường đại học và viện nghiên cứu. Nhờ vậy, giáo sư có thu nhập ổn định, sinh viên có đề tài nghiên cứu thực tế, còn nhà trường thật sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tôi thấy rất rõ, nghiên cứu phải song hành giữa hai hướng: nghiên cứu nền tảng dài hạn, và nghiên cứu ứng dụng để tối ưu sản phẩm, quy trình trong ngắn hạn.
Khi bắt đầu làm việc ở Bosch Việt Nam, tôi nhận ra đây là “cơ hội vàng” để thử áp dụng mô hình đó tại quê hương. Dù khi ấy chưa có tiền lệ, tôi đã nghiên cứu Luật Công nghệ cao và phát hiện: nếu một nhà máy đạt chuẩn công nghệ cao thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế – với điều kiện phải có trung tâm R&D. Đó là cam kết tôi đặt ra giữa ba bên: bản thân tôi, tập đoàn Bosch và chính phủ Việt Nam.
Với lãnh đạo Bosch, tôi không muốn chỉ dùng lập luận về ưu đãi thuế để thuyết phục họ. Thay vào đó, tôi muốn chứng minh bằng thực tế rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể làm R&D chất lượng cao. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Có những bạn trẻ bước vào Bosch chưa từng biết cảm giác cầm vô lăng. Vậy mà sau vài năm, chính họ là người thiết kế các hệ thống an toàn, giải pháp hỗ trợ lái xe, thậm chí tham gia phát triển công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất của ngành ôtô. Điều đó mới thật sự thuyết phục.
Về phía Chính phủ, tôi đã dành gần hai năm để âm thầm chuẩn bị hồ sơ, trình bày tại các bộ ngành, gặp Phó thủ tướng, và đặc biệt là làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh – người mà tôi rất kính trọng vì luôn trăn trở về cải cách.
Khi đó, luật pháp còn khá cứng nhắc. Ví dụ, Luật Công nghệ cao quy định chỉ những sản phẩm nằm trong danh mục ban hành mới được công nhận là công nghệ cao. Tôi phản biện: “Công nghệ cao không thể định nghĩa bằng tên sản phẩm. Phải nhìn vào bản chất công nghệ, mức độ tự động hóa, sự sáng tạo”.
Cuối cùng, Bosch Long Thành được công nhận là nhà máy áp dụng công nghệ cao. Toàn bộ quá trình vận động không có một đồng “bôi trơn”. Tôi biết ơn những cán bộ trong hệ thống công quyền lúc ấy – những người thực sự có tâm, có tầm, và cùng chung giấc mơ về một Việt Nam phát triển bằng năng lực thật.
Từ đó, Bosch chính thức thành lập hai trung tâm nghiên cứu tại TP HCM và sau này mở thêm chi nhánh ở Hà Nội. Nay đã có hơn 4.000 kỹ sư Việt Nam đang làm R&D đa ngành, trong đó có cả công nghệ ôtô.
Tôi rất hạnh phúc vì đã góp một phần vào hành trình khởi đầu đó. Và tôi mong rằng các tập đoàn công nghệ lớn khác cũng sẽ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xứng tầm hơn nữa.
Tôi cũng mong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam học được tinh thần hợp tác R&D, như cách BMW và Mercedes cùng phát triển công nghệ, hay các công ty Đức – Nhật bắt tay xây dựng nền tảng dùng chung.
Tại sao không? Nếu Samsung đặt đề bài, sao doanh nghiệp Việt không là người giải đề?. Nếu nước ngoài xây trung tâm nghiên cứu, tại sao không có hệ sinh thái Việt Nam cùng phát triển bên cạnh họ?

– Sau khi thuyết phục thành công, đi vào xây dựng và vận hành Bosch tại Việt Nam, ông đối diện với những khó khăn đã lường trước là thiếu chuỗi cung ứng, nhân sự chưa sẵn tay nghề. Ông đã vượt qua những thách thức đó ra sao để 15 năm sau đó, Bosch có hơn 4.000 kỹ sư, chuyên viên?
– Thách thức lớn nhất với những đề án đầu tư trong sản xuất tại Việt Nam là thiếu nền tảng chuỗi cung ứng và nhân sự chất lượng cao. Tại Bosch, từ lúc ban đầu, chúng tôi xây dựng “ba chân kiềng”: tiền – nhân lực – định hướng.
Một là tiền. Bosch đảm bảo nguồn lực mạnh để đầu tư vào R&D.
Thứ hai, về nhân sự, chúng tôi bắt đầu bằng việc đưa đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn cao đến Việt Nam, để kỹ sư Việt Nam làm việc cùng chuyên gia nước khác, học hỏi kỹ thuật và quản lý đề án R&D – một lĩnh vực phức tạp, cần sự thấu hiểu cả về kỹ thuật lẫn nhu cầu thị trường.
Tôi rất vui khi đến hôm nay, dù tôi đã rời Bosch, các bạn trẻ Việt đã trở thành những người dẫn dắt. Họ tham gia phát triển các giải pháp tiên tiến như AI, camera, hệ thống lái tự động, và công nghệ thành phố thông minh, khẳng định năng lực trên toàn cầu.
Song song đó, tôi chủ trương xây dựng một trung tâm đào tạo nghề ngay tại Long Thành. Trung tâm đào tạo của Bosch (TGA), một mô hình hiếm hoi tại Việt Nam áp dụng triệt để mô hình đào tạo kép “học đi đôi với hành” của Đức, nơi mỗi suất tuyển sinh có đến 5 – 10 người tranh nhau đăng ký.
Học viên vừa học vừa được trợ cấp mức bằng với lương tối thiểu, khi ra trường có chứng chỉ của Phòng Thương mại Đức, và cơ hội làm việc tại Bosch hoặc ở Đức với chứng chỉ này. Tôi thấy đây là điều ít trường nghề nào ở Việt Nam làm được. Nếu không thay đổi tư duy giáo dục, không đào tạo theo nhu cầu thực tiễn, không kết nối doanh nghiệp vào quá trình dạy, sẽ rất khó giữ chân các tập đoàn FDI ở lại lâu dài.
Thứ ba là phải có định hướng rõ ràng. Trung tâm R&D phục vụ phát triển sản phẩm cho nhà máy Long Thành và cung cấp giải pháp công nghệ cho Bosch toàn cầu, đặc biệt tại Đông Nam Á, Nhật Bản, và Trung Quốc. Chúng tôi đi từng bước.

– Khi nhìn lại hành trình đưa Bosch về Việt Nam, ông rút ra bài học gì về cách thu hút FDI?
– Tôi nghĩ đó là bài học về sự cùng thắng. Đây chính là nền tảng cho mối quan hệ lâu dài.
Trong hành trình với Bosch, tôi luôn giữ một điều: mình phải mang lợi cho Bosch, nhưng cũng phải tận dụng cơ hội đó để mang lợi cho đất nước và cũng thực hiện được hoài bão của mình.
Cho nên, tất cả những bạn trẻ Việt Nam, dù đang mang quốc tịch gì, nếu đang làm trong một tập đoàn quốc tế mà thấy điều gì tốt cho Việt Nam, cho công ty của bạn thì hãy nghĩ đến việc mang về. Lúc đó, bạn đã tạo ra một chiến thắng kép.
Trong dịp 50 năm thống nhất đất nước, tôi nghĩ bài học cùng thắng càng quan trọng. Những người Việt sống ở nước ngoài, nếu có thể quay về, hoặc góp phần từ xa, cũng là đang cùng thắng với đất nước. Với tôi, chữ hòa hợp tóm lại rất đơn giản, là tất cả chúng ta đều là người thắng.
– Trước đây, FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống, nhưng gần đây các ngành mới như bán dẫn và AI… đang nổi lên. Theo ông, Việt Nam nên ưu tiên hướng phát triển nào?
– Tôi cho rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần thực hiện đồng thời nhiều chiến lược, thay vì chỉ tập trung vào một hướng.
Thứ nhất, cần cải cách hệ thống giáo dục và xây dựng mạng lưới nghiên cứu, sáng tạo, kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu. Đây là nền tảng để tạo nội lực công nghệ.
Thứ hai, với FDI, Việt Nam nên tận dụng cơ hội để phát triển các ngành công nghệ phụ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt lớn như VinFast hay những công ty công nghệ đang mạnh dạn đầu tư vào R&D – chính họ sẽ mở đường cho các lĩnh vực mới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần dấn thân vào đổi mới sáng tạo, vì tương lai không còn chỗ cho lối làm ăn gia công đơn giản.
Thứ ba, bên cạnh việc duy trì các ngành công nghiệp truyền thống, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả nông nghiệp và đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ mới như chất bán dẫn (chính yếu là thiết kế, phần mềm) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tóm lại, Việt Nam không nên chọn giữa ngành truyền thống và ngành mới, mà cần cân bằng. Ngành truyền thống là nền tảng, còn ngành mới như bán dẫn và AI là động lực cho tương lai.
Trong bối cảnh bất định toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn. Cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng nội lực của đất nước. Tự lực tự cường là chìa khóa quan trọng.
Tôi tin rằng Việt Nam có sức mạnh kỳ diệu. Chúng ta từng đối mặt với nhiều thách thức, đã tìm được cách vượt qua và lần này cũng vậy.
– Trải qua gần nửa thế kỷ học tập, làm việc và góp phần xây nền cho những dấu mốc quan trọng của Việt Nam, đến nay ông còn ấp ủ điều gì?
– Sau hành trình với Bosch, tôi tiếp tục có một hành trình 1.000 ngày hạnh phúc với VinFast. Tôi vui là đã cùng đồng đội đạt được một kỳ tích, làm ra chiếc xe ôtô thương hiệu Việt đầu tiên chỉ trong 21 tháng – một điều mà ngay cả những hãng xe lâu đời cũng phải mất 4-5 năm.
Đến hiện tại, tôi đang dành thời gian cho giáo dục, cho đào tạo và truyền cảm hứng. Hiện tôi tham gia trong hội đồng trường của Đại học Việt Đức và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Tôi làm việc với các bạn trẻ, với các start-up, với những người mang trong mình khát vọng phát triển đất nước bằng năng lực thật.
Bởi tôi luôn tin – và cũng là điều giúp tôi thuyết phục được các đối tác trên thế giới khi thực hiện các để án tại BMW, Bosch và VinFast rằng: con người Việt Nam nỗ lực và ham học, có khả năng để làm tốt, họ chỉ thiếu điều kiện chứng minh thôi.

Nội dung: Thùy Ngân – Diễm Hạnh
Video: Trung Kiên – Hoàng Minh
Photo: Thành Nguyễn – Tiên Phùng – An Khương
Đồ hoạ: Hoàng Khánh