Cựu thứ trưởng được đề nghị án treo trong vụ khai thác lậu 736 tỷ đồng đất hiếm

Cựu thứ trưởng được đề nghị án treo trong vụ khai thác lậu 736 tỷ đồng đất hiếm – rss

Hà NộiCựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc bị cáo buộc có sai phạm khi ký cấp phép khai thác đất hiếm cho công ty không đủ điều kiện nhưng không vụ lợi, nhiều đóng góp cho công tác môi trường.

Sáng 14/5, sau hai ngày xét hỏi, VKSND Hà Nội phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án với 27 bị cáo trong vụ án khai khác trái phép, buôn lậu đất hiếm với số tiền hưởng lợi hơn 736 tỷ đồng.

Cùng bị truy tố Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, cựu thứ trưởng Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, 67 tuổi, bị VKS đề nghị 30-36 tháng án treo; ông Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản, bị đề nghị 5-6 năm tù.

5 cựu cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở này tại Yên Bái bị đề nghị 2-5 năm tù cùng tội danh trên.





Cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Phạm Dự

Cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc. Ảnh: Phạm Dự

Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; 4-5 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 3-4 năm về tội Gây ô nhiễm môi trường. Tổng hợp mức án đề nghị cho ông Huấn là 12-15 năm.

Người bị đề nghị mức án cao nhất trong vụ án là Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, với 12-13 năm tù cho tội Buôn lậu và 4-5 năm tù cho tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 16-18 năm.

19 người còn lại bị đề nghị mức án bằng thời gian tạm giam đến 18 năm tù về các tội danh khác nhau như: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

>> Mức án VKS đề nghị với 27 bị cáo

VKS đánh giá vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn, các bị cáo là người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp mà bất chấp, cố tình sai phạm đến lợi ích Nhà nước và xã hội.

Các bị cáo là các cán bộ ngành tài nguyên môi trường, với chức năng và nhiệm vụ của mình “phải biết” công ty Thái Dương có nhiều vi phạm nhưng xác định đủ điều kiện, cấp phép khai thác cho doanh nghiệp này.





Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam bị đè nghị mức án cao nhát trong 27 người. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam bị đề nghị mức án cao nhất trong 27 người. Ảnh: Phạm Dự

Thứ trưởng Ngọc được đánh giá khi ký cấp phép do tin tưởng cấp dưới, có ràng buộc các điều kiện với doanh nghiệp buộc phải thực hiện khi khai thác. Ông không hưởng lợi ích vật chất. Quá trình công tác và sau khi nghỉ hưu, ông vẫn có nhiều đóng góp tích cực với các công tác nghiên cứu và bảo vệ môi trường. Do tính nguy hiểm với xã hội không còn, VKS xét thấy không cần thiết cách ly khỏi xã hội vẫn đủ giáo dục, răn đe.

Bản luận tội nêu, nhiều bị cáo phạm tội theo chỉ đạo cấp trên, thiếu hiểu biết, không vụ lợi, một số cán bộ sai phạm do nôn nóng xử lý công việc, tạo điều kiện giải quyết hồ sơ tồn đọng, không nhận lợi ích vật chất… cũng được xét khoan hồng.

Trong 27 bị cáo, VKS đề nghị cho hai người mức án bằng thời gian tạm giam, trả tự do tại tòa, 4 án treo, còn lại là các án tù (thấp nhất là 24 tháng).

VKS ghi nhận các bị cáo đến nay đã nộp hơn 30 tỷ đồng.

VKS cũng buộc ông Huấn và công ty Thái Dương nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi từ các sai phạm, hơn 736 tỷ đồng. Các công ty liên quan nộp số tiền hưởng lợi từ buôn lậu, vi phạm quy định kế toán.

VKS cũng kiến nghị buộc công ty Thái Dương phải dọn sạch và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường với hành vi xả thải hơn 35.000 tấn chất thải ra môi trường.





Đại diện Viện kiểm sát trong phiên tòa sáng 14/5. Ảnh: Phạm Dự

Đại diện Viện kiểm sát trong phiên tòa sáng 14/5. Ảnh: Phạm Dự

Bản luận tội của VKS xác định, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ liên quan quản lý nhà nước về khoáng sản trên cả nước. Trong đó có trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khoáng sản. Ông Ngọc là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này.

Ngày 24/5/2011, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận được hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty Thái Dương. Doanh nghiệp đã lập và được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng đất hiếm.

Thời điểm này do có sự thay đổi về Luật Khoáng sản, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản trên cả nước để chờ hướng dẫn.

Sau khi được xét cấp phép lại, Công ty Thái Dương phải lập, bổ sung dự án “đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu gồm 2 nhà máy thủy luyện, chế biến ô xít. Doanh nghiệp giấy phép hết hạn và chưa có giấy chứng nhận với 2 dự án nhà máy này vẫn được các cán bộ Tài nguyên môi trường ký duyệt, cấp phép.

Hậu quả, Công ty Thái Dương đã khai thác trái phép thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.

Chủ tịch Thái Dương còn chỉ đạo cấp dưới gian dối hóa đơn bán quặng, để ngoài sổ kế toán gây thiệt hại cho Nhà nước 9,6 tỷ đồng thuế.

Ông Huấn còn bị cho rằng không xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định, xả thải hơn 35.000 tấn chất thải ra môi trường.

Công ty cũng bị cáo buộc xuất bán tinh quặng sắt sang Trung Quốc, trong khi quy định phải bán cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.

Trong những ngày xét hỏi, các bị cáo phần lớn thừa nhận hành vi, trình bày nhiều về bối cảnh khiến mình phạm tội dù không cố ý. Chủ tịch Huấn khóc tại tất cả các phần trả lời xét hỏi của HĐXX, của VKS và luật sư, xin nhận hết các tội nhưng nói chỉ học hết lớp 8, phạm tội do thiếu hiểu biết, sổ sách tin tưởng giao hết kế toán.

Cựu Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thuấn, người nhận quà sinh nhật 500 triệu đồng của ông Huấn, trình bày rằng sau khi chấp thuận hồ sơ cho Công ty Thái Dương thì được ông Huấn tặng túi hoa quả, giật mình thấy tiền nhưng không thể liên lạc để trả lại được.

Thứ trưởng Ngọc phân trần tâm huyết với ngành đất hiếm, mong muốn duy nhất khi đó là đất nước có công nghệ hiện đại với tài nguyên quan trọng này, sự nôn nóng khiến ông phạm sai sót, khiến ông vô cùng đau lòng.

Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, bị đề nghị mức án cao nhất, khá miễn cưỡng khi nhận tội Buôn lậu, cho rằng sai phạm do các quy định của pháp luật chồng chéo, mơ hồ khiến ông rất bức xúc.

Thanh Lam

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.