Từ trại tạm giam, bà Trương Mỹ Lan đề nghị việc gì?

Từ trại tạm giam, bà Trương Mỹ Lan đề nghị việc gì? – rss

Trương Mỹ Lan - Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan nhiều lần đề nghị thẩm định lại giá trị tài sản – Ảnh: HỮU HẠNH

Ngày 12-5, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết thân chủ của ông – bà Trương Mỹ Lan có đơn gửi Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Ban chỉ đạo).

Đề nghị Ban chỉ đạo quan tâm đến định giá tài sản 

Theo đơn đề nghị đã được trại tạm giam Bộ Công an xác nhận, bà Trương Mỹ Lan chia sẻ rất vui mừng khi Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo bởi lẽ điều này đồng nghĩa với việc các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết, xử lý tài sản để thi hành án sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, khách quan.

Tuy nhiên, theo bà Lan, để tránh nguy cơ thất thoát tài sản, gây thiệt hại tới quyền lợi của Nhà nước cũng như tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà, bà đề nghị Ban chỉ đạo đặc biệt quan tâm tới việc định giá tài sản phù hợp với giá thị trường, qua đó tăng giá trị thu hồi cho Nhà nước.

Bà Trương Mỹ Lan cho rằng tài sản trong vụ án bị định giá thấp hơn giá thị trường. Bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dẫn chứng kết luận điều tra, cáo trạng và các bản án vụ án giai đoạn 1, trong số 1.166 mã tài sản đảm bảo cho 1.284 khoản vay, Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá 726/1.166 mã tài sản, không định giá 440/1.166 mã tài sản.

Trong đó, 726 mã tài sản được định giá, giá trị định giá là 253.561 tỉ đồng. Bà Lan khẳng định Công ty Hoàng Quân đã định giá thấp hơn thị trường rất nhiều lần.

Bà Lan dẫn chứng ví dụ so sánh định giá của Hoàng Quân với định giá theo chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam (VAAE) và Công ty TNHH thẩm định giá SVVN cho rằng chỉ tính 4 trên tổng số 726 mã tài sản được Hoàng Quân định giá thì thấy 4 tài sản này bị giảm giá trị 193,8 ngàn tỉ đồng.

Trong đó, dự án Mũi Đèn Đỏ định giá của Công ty Hoàng Quân xác định có giá trị hơn 18,3 ngàn tỉ đồng, trong khi đó định giá của VAAE là 168,3 ngàn tỉ đồng và của SVVN là 180,8 ngàn tỉ đồng.

“Trong số 440 mã tài sản không được định giá, bị Ngân hàng SCB quy giá trị bằng 0, có cả những tài sản giá trị rất lớn như: quyền sử dụng đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, số 152 Trần Phú, số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở quận 1, quận 5, TP.HCM. Nếu định giá cả 440 mã tài sản này, tôi chắc chắn Nhà nước thu về không dưới 200.000 tỉ đồng”, bà Lan viết.

Theo bảng giá đất mới, giá trị tài sản của bà Lan đều tăng lên?

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan đối chiếu với bảng giá đất mới theo quyết định của UBND TP.HCM và cho rằng tất cả các dự án, tài sản là quyền sử dụng đất của bà đều tăng giá trị từ 3 – 5 lần. Bà Lan khẳng định nếu được định giá lại theo giá đất mới thì tổng giá trị tài sản của bà (chưa bao gồm cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp…) sẽ trên dưới 1 triệu tỉ đồng.

Bên cạnh đó, bà Trương Mỹ Lan bày tỏ mong muốn được xin cơ chế đặc biệt cho bà được quyền tham gia vào quá trình định giá, xử lý tài sản, với mục tiêu cao nhất là mang lại giá trị lớn nhất cho Nhà nước.

“Tôi tin rằng với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hơn 30 năm qua của tôi, với hiểu biết tường tận hơn ai hết đến từng ngóc ngách, khía cạnh pháp lý và nắm vững hồ sơ từng loại trong số 1.166 mã tài sản đảm bảo thuộc quyền sở hữu, quản lý của tôi nêu trên, cùng với sự hỗ trợ không thể thiếu của Nhà nước, tôi có thể biến hầu hết các tài sản này thành những “con gà đẻ trứng vàng” để Nhà nước thu hồi được chi phí đã bỏ ra”, bà Lan trình bày.

Tag: phapluat-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 4

No votes so far! Be the first to rate this post.