
Khách quốc tế đến TP.HCM trong tháng 5-2025 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khai mạc kỳ họp Quốc Hội khoá XV, báo cáo để đạt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó du lịch cũng là tâm điểm.
Cụ thể ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4, nhấn mạnh phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Thực hiện tốt Chương trình kích cầu du lịch 2025; xem xét, quyết định miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số trường hợp… theo các doanh nghiệp, nhiệm vụ thời gian tới cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiêp du lịch xây nhiều kế hoạch mới
Ngày 6-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – phó tổng giám đốc Vietravel – cho biết để phát triển theo phương châm trên, Vietravel tiếp tục tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chuyên đề về văn hóa, ẩm thực, sinh thái, wellness (sức khỏe toàn diện), kết hợp đa dạng trải nghiệm và cá nhân hóa theo nhu cầu.
Với việc xem xét miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho một số người là nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao… và công dân một số nước, nhất là bạn bè truyền thống, các đối tác quan trọng, theo bà Hoàng đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp tận dụng.
Cụ thể, bà Hoàng nói sẽ quảng bá và xúc tiến du lịch tại các thị trường này, giới thiệu các sản phẩm du lịch chuyên biệt, độc đáo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng nhóm đối tượng.
Để tiếp cận nhóm khách hàng mới, bà Hoàng nói chiến lược: “Doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác phân khúc khách hàng chất lượng cao bằng các gói du lịch kết hợp công tác, hội thảo với trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng cao cấp.
Đồng thời, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội văn hóa, thể thao…”.
Theo ông Từ Quý Thành, giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, lâu nay doanh nghiệp đều có chiến lược kinh doanh với linh hoạt những sản phẩm.
Nếu sắp tới miễn visa có thời hạn cho một số trường hợp, là thông tin “bổ ích” cho doanh nghiệp.
Ông Thành cho biết: “Công ty lữ hành làm inbound có đối tác nước ngoài, đa số đều chuẩn bị tinh thần chờ quyết định chính thức để gửi thông tin cho doanh nghiệp đối tác.
Sản phẩm cũng đã chuẩn bị sẵn, tôi nghĩ không ít doanh nghiệp du lịch đang trong trạng thái chờ đón thêm cơ hội mới”.
Cần tập trung xúc tiến, quảng bá thật mạnh
Theo ông Thành, để đóng góp chung, để có tổng lực, doanh nghiệp rất mong muốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, quảng bá, có chính sách marketing tốt.
“Vì doanh nghiệp đã sẵn sàng lâu rồi. Như các doanh nghiệp làm thị trường inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam) đã có sản phẩm hết rồi, đẩy mạnh phát triển rồi, chỉ cần có “lực đẩy” về xúc tiến quảng bá, cần chi phí lớn, đủ mạnh để thuyết phục các thị trường lớn, để tăng lượng khách vào và mang về những con số lạc quan”, ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiệp, tổng giám đốc Công ty du lịch Viettourist, cho rằng để song hành với định hướng phát triển du lịch quốc gia với phương châm đặt ra, cuối năm 2024 Viettourist đã quảng bá truyền thông du lịch Việt Nam đến nhiều quốc gia, đặc biệt là khối cộng đồng chung Châu Âu.
“Chẳng hạn Viettourist là đơn vị du lịch Việt Nam duy nhất tham dự hội chợ du lịch SEHI (tại Lugano – Thuỵ Sĩ), đưa ra giá tour Việt Nam rẻ hơn 20-30% so với giá tour của các công ty lữ hành tại Châu Âu mở bán.
Việc của doanh nghiệp là tiếp cận thị trường trực tiếp, và giải tỏa cho du khách rõ ràng về mức giá chi phí tour thực tế, mang đến một giải pháp kích thích du khách tự tin đến với Việt Nam mà không phải lo về giá. Nếu thêm chính sách miễn visa Việt Nam, sẽ cởi nút thắt thêm cho dòng du khách, mở khóa cho ngoại tệ ồ ạt đổ về”, ông Hiệp nói.