Nửa thế kỷ làm ‘phòng thử nghiệm’ thể chế của TP HCM

Nửa thế kỷ làm ‘phòng thử nghiệm’ thể chế của TP HCM – rss

“Thành phố sẽ phát hành trái phiếu đô thị để huy động vốn bổ sung đầu tư phát triển, mời bà con đến mua để cùng đóng góp xây dựng thành phố. Chúng tôi cam kết trả gốc, lãi đúng thời hạn”, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu trên chương trình thời sự tối 31/8/2003. Trái phiếu đô thị TP HCM đầu tiên được phát hành gồm kỳ hạn 2 và 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng. Mục tiêu là đến hết năm, thành phố huy động được 2.000 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính, tín dụng, và công chúng.

Đó là lần đầu tiên một địa phương huy động vốn qua trái phiếu. Trước đó, Việt Nam mới có trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành, chưa có khung pháp lý cho trái phiếu địa phương. Để tạo lòng tin với người dân, trước kỳ phát hành, bà Yến tìm gặp các lãnh đạo ngân hàng thương mại như Sacombank, ACB, đề nghị mua trái phiếu. Họ không chỉ đồng ý phối hợp, mà còn cam kết mua lại trái phiếu nếu người dân muốn bán, trả lãi đầy đủ, giúp tăng tính thanh khoản.

“Trái phiếu có chữ ký nhận nợ của Chủ tịch UBND TP HCM. Bưu điện thành phố phối hợp, đặt bàn ngồi bán, không ngờ người dân rất hưởng ứng. Ngay trong ngày đầu tiên, một cá nhân mua 550 triệu đồng”, bà Giao Yến nhớ lại sáng 1/9/2003 khi HIFU thí điểm chủ trì phát hành trái phiếu đô thị.

Lúc ấy, bà mới “thở phào” bởi bước đi tiên phong của TP HCM một lần nữa đúng hướng. Trong 4 năm, thành phố huy động được 8.000 tỷ đồng qua trái phiếu, tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Sau thành phố, Đà Nẵng và Hà Nội tiếp bước.

Sự thành công của trái phiếu địa phương là một trong rất nhiều bước đi tiên phong của TP HCM suốt nửa thế kỷ từ ngày Thống nhất. Không chỉ là nơi khởi nguồn phong trào Đổi mới (1986), tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho cả nước, thành phố nhiều lần làm “phòng thí nghiệm thể chế” cho các mô hình chưa từng có tiền lệ như: Khu chế xuất đầu tiên (Tân Thuận); cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh; thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần…

“Thành phố không chờ cơ chế mà tự đề xuất, kiên trì xin Trung ương từng việc một dựa trên yêu cầu thực tiễn của địa phương, rồi hình thành cơ chế và điều chỉnh ở cấp quốc gia. Tư duy, cách làm này đã giúp thành phố giữ vững vai trò mở đường, là phòng thử nghiệm thể chế suốt nửa thế kỷ qua”, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (nay là Viện Nghiên Cứu Phát Triển TP HCM), nói.

Cái khó “ló” sáng kiến hay

Thập niên 1990, thành phố cùng đất nước bước vào giai đoạn Đổi mới, dân số tăng nhanh, bệnh viện, trường học quá tải, thiếu các công trình công cộng… Nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, nhưng ngân sách hạn hẹp.

“Thời điểm đó không có kênh nào cung cấp được nguồn vốn như vậy”, bà Giao Yến kể. Nếu vay vốn, lãi suất phải rất thấp, thời gian trả nợ dài để không làm tăng giá dịch vụ công.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn, Viện Kinh tế thành phố, đứng đầu là TS Trần Du Lịch, đề xuất một định chế tài chính mới: công ty nhà nước nhưng “pha trộn” thêm yếu tố thị trường. Trong đó, ngân sách thành phố góp một phần đóng vai trò “vốn mồi”, còn lại huy động ngoài xã hội để đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng.

Bà Yến kể, lãnh đạo thành phố nhiều lần “khăn gói” ra Trung ương thuyết phục Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về cơ chế hoạt động, khẳng định không “giẫm chân” ngân hàng, cũng không “lấn sân” sang lĩnh vực tín dụng. Năm 1996, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố (HIFU) ra đời theo quyết định của Thủ tướng, đến năm 2010 đổi tên thành Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).

Đây được xem là bước ngoặt mở ra quá trình xã hội hóa y tế, giáo dục bằng cơ chế tài chính chưa từng có tiền lệ – lấy vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho tư nhân đầu tư vào hạ tầng xã hội. Thống kê giai đoạn 1997-2005, mỗi đồng vốn của HIFU kéo theo hơn 130 đồng vốn xã hội, tạo ra hiệu ứng lan tỏa chưa từng có. Quỹ đầu tư này trở thành “bà đỡ” cho nhiều công trình như mở rộng bệnh viện Đại học Y Dược, Từ Dũ, Hùng Vương, xây dựng trường Nguyễn Thị Minh Khai, Đại học Tôn Đức Thắng…

“HIFU là một trong những mô hình thể chế tài chính công đặc biệt nhất Việt Nam. Không nằm trong ngân sách, nhưng lại là cánh tay nối dài của ngân sách. Đây là bước đầu của tư duy công – tư hợp tác trong đầu tư hạ tầng. Không phải tư nhân làm hết mà phân vai đúng người, đúng thời điểm”, TS Trần Du Lịch phân tích.

Sự ra đời của HIFU không chỉ mở rộng nguồn vốn đầu tư, mà còn gỡ khó cho thành phố trong nhiều dự án hạ tầng.

Lễ khai trương Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP HCM, ông Trần Du Lịch đứng hàng trước, thứ ba từ phải sang. Ảnh: Tư liệu

Đầu những năm 2000, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi dài gần 4 km nối sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố thường xuyên kẹt cứng. TP HCM lên kế hoạch mở rộng gấp đôi – từ 15 lên 30 m với tổng vốn dự kiến hơn 850 tỷ đồng, gấp gần 8 lần mức đầu tư hạ tầng Khu đô thị An Phú quy mô 100 ha lúc bấy giờ. Vì vốn lớn, khi đưa ra HĐND thành phố, các đại biểu tranh luận gay gắt, nhiều ý kiến phản đối dự án.

“Chúng tôi thuyết phục rằng đắt mấy cũng phải làm, vì đó là đường huyết mạch. Đất nước mở cửa, nhà đầu tư xuống sân bay vào con đường nhỏ xíu, kẹt xe, khiến tâm lý không tốt”, TS.KS Võ Kim Cương, lúc đó là Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, kể lại.

Chủ trương đầu tư cuối cùng được HĐND thông qua, dù vậy, thành phố vẫn chưa bố trí được nguồn vốn.

Cũng giai đoạn này, thành phố vừa hoàn tất mở rộng đường Điện Biên Phủ và Hùng Vương với tổng vốn 700 tỷ đồng. Để thu hồi vốn, lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM được giao thu phí xe cộ qua lại trên hai tuyến này.

“Nếu nhặt bạc cắc như vậy không biết khi nào thu hồi được 700 tỷ đồng để đầu tư con đường khác”, TS Trần Du Lịch nhớ lại. Nhiều lần sang Trung Quốc, ông nhận ra quốc gia này có cách thức huy động vốn rất hay. Nhà nước chỉ bỏ tiền làm một công trình, sau đó bán quyền khai thác lại cho tư nhân, lấy tiền đầu tư công trình mới. Cứ thế, số lượng cầu đường nhân lên rất nhanh.

Từ kinh nghiệm đó, Viện Kinh tế thành phố đề xuất bán quyền thu phí cho doanh nghiệp để “lấy ngay một cục tiền”. Tuy nhiên, để cân bằng giữa thu phí giao thông, vốn tác động trực tiếp đến người dân và ngân sách, doanh nghiệp này vẫn cần có sự chi phối của Nhà nước, tức cùng góp vốn. Nhiệm vụ này được HIFU đảm nhận.

Bà Giao Yến cử người ra hai tuyến đường Điện Biên Phủ và Hùng Vương đếm xe qua lại, tính ra mức phí để ước lượng doanh thu, thời gian hoàn vốn. Nhóm đề xuất thành lập công ty cổ phần, mua quyền khai thác trong 9 năm với giá 1.000 tỷ đồng, cam kết hoàn tất chi trả cho ngân sách trong 18 tháng để thành phố đầu tư tuyến đường khác.

Cách làm này giải quyết hai vướng mắc lớn nhất là có vốn ngay, lại lời 300 tỷ đồng, không tốn nhân lực tổ chức thu phí. Nhưng đề án vẫn bị nhiều người phản ứng.

“Có người còn nói chúng tôi giờ bán đường của dân thì khi nào sẽ bán nước”, bà Yến nhớ lại những chỉ trích gay gắt khi đó. Tuy nhiên, giữa lúc ngân sách khó khăn, đầu tư hạ tầng cần nguồn tiền lớn thì xã hội hóa là cách duy nhất. Cả nhóm kiên trì thuyết phục và cuối cùng cũng được HĐND TP HCM thông qua.

“Chúng tôi trả lời rằng: Dạ, tụi con sẽ bán nước, nhưng mà là nước sạch cho người dân”, bà Yến nhớ lại. Sau này, HIFU tham gia vào Công ty Cổ phần B.O.O Nước Thủ Đức, đây là hình thức hợp đồng B.O.O đầu tiên của thành phố với phương thức hoạt động là Xây dựng (Build) – Vận hành (Operate) – Sở hữu (Own), cung cấp nước sạch cho thành phố.

Đường Điện Biên Phủ từng được TP HCM “bán quyền khai thác” để thu hồi vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông khác. Ảnh: Gia Minh

Năm 2001, Công ty Hạ tầng kỹ thuật đô thị TP HCM (CII) ra đời. HIFU là cổ đông sáng lập, góp 45 tỷ đồng, tương đương 15% vốn điều lệ. Phần vốn còn thiếu, CII đi vay và huy động từ công chúng qua hình thức bán cổ phần. Người dân muốn trở thành cổ đông có thể mua cổ phần với hạn mức tối đa 200 triệu đồng.

“Ban đầu, chúng tôi có lo lắng cách làm này quá mới, nhưng không ngờ người dân hưởng ứng mạnh mẽ”, bà Giao Yến kể.

8h sáng, cổ phần CII mở bán, nhưng nhiều người đã đến xếp hàng từ 3h. Trong một giờ mở bán, CII đã nâng tổng số vốn lên 300 tỷ đồng và trở thành công ty có vốn điều lệ ban đầu cùng số cổ đông lớn nhất nước thời điểm đó – trên 900 người.

Tháng 4/2004, CII hoàn tất thanh toán 1.000 tỷ đồng cho thành phố. Từ nguồn này, cuối năm 2005, thành phố chính thức khởi công dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và hoàn thành vào năm 2010, giúp giải quyết ách tắc giao thông cho cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Băng rôn khởi công đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày 3/12/2005. Ảnh: Lưu Đức

Sự kiện “bán quyền khai thác” đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương khởi đầu cho phương thức hợp tác công – tư PPP trong đầu tư hạ tầng theo dạng Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M), tức ngân sách đầu tư sau đó bán quyền thu phí cho doanh nghiệp. Bằng cách này, chính quyền thoát vốn nhanh khỏi dự án để tiếp tục tái đầu tư mà không tốn nhân sự, chi phí quản lý, vận hành, duy tu, nhưng vẫn là chủ công trình. Ngoài O&M, CII còn đầu tư vào hạ tầng qua hình thức BOT, BT…

“CII là mô hình xã hội hóa đầu tư đầu tiên, tiêu biểu của TP HCM”, bà Yến nói.

Từ cách làm của TP HCM, hàng loạt tỉnh, thành cũng lập quỹ đầu tư địa phương như Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… Đến năm 2007, Chính phủ chính thức có nghị định về tổ chức hoạt động của quỹ, cao điểm toàn quốc có 44 địa phương huy động vốn qua hình thức này.

Nội lực của TP HCM

Nhiều thập kỷ, TP HCM luôn được chọn là “phòng thử nghiệm” thể chế nhờ bốn yếu tố cốt lõi gồm: vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, văn hóa cởi mở – năng động, nền kinh tế có truyền thống thương mại từ trước năm 1975, và sự dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, theo TS Đào Minh Hồng, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Kinh tế – Tài chính TP HCM.

Cụ thể, TP HCM là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của Việt Nam ra Biển Đông. Đây cũng là nơi quy tụ dân mọi miền cả nước và nhiều quốc gia châu Âu, Mã Lai, Hoa, Ấn… đến giao thương từ rất sớm. Trước năm 1975, Sài Gòn được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” với nền kinh tế tư bản có sự hiện diện của nhiều công ty nước ngoài, cơ sở hạ tầng hiện đại. Những di sản này không mất đi sau năm 1975, mà tiếp tục “âm ỉ” dưới hình thức kinh doanh tư nhân, quan hệ buôn bán phi chính thức.

“Sự hội tụ nhiều tầng lớp dân cư đã nhào nặn nên tinh thần phóng khoáng, sẵn sàng tiếp thu những giá trị văn hóa, kinh tế mới. Đây là nền tảng quan trọng để thành phố đón nhận các chính sách mở cửa mà không bị ‘sốc’ về tư duy hay lối sống”, TS Hồng nói.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, những “nội lực” trên đã ảnh hưởng đến tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm những cách làm mới của thành phố, nhất là với các thế hệ lãnh đạo.

“Thành phố được quá khứ hỗ trợ và lãnh đạo các thời kỳ luôn trân trọng điều đó”, ông Ngân nói. Sinh sống, học tập ở TP HCM từ trước 1975, ông Ngân cho rằng thành phố luôn có các thế hệ doanh nhân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học yêu thành phố, sẵn sàng nỗ lực, gánh vác cùng lãnh đạo.

Điển hình là sự ra đời của Nhóm Thứ Sáu – được biết đến như mô hình think tank đầu tiên ở Việt Nam sau ngày thống nhất. Nhóm này hội tụ những trí thức ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh tế, được lãnh đạo thành phố – đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tin dùng từ khi ông còn là Bí thư Thành ủy TP HCM. Trong đó có cả những người từng phục vụ chính quyền Việt Nam Cộng hoà, ví dụ như ông Nguyễn Xuân Oánh – người từng làm Phó thủ tướng trong chính quyền Sài Gòn. Từ truyền thống này, thành phố trở thành nơi hút nhân tài trong và ngoài nước.

Sự tin tưởng của Trung ương cũng là điều kiện quan trọng để thành phố có thể thí điểm hàng loạt cơ chế. Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 (1991), lần đầu tiên TP HCM được xác định là “trung tâm” đa lĩnh vực, đồng thời được Trung ương giao “nhiệm vụ tiên phong” triển khai các chính sách mở cửa kinh tế.

Kể từ đó, Bộ Chính trị liên tiếp có các Nghị quyết nhìn nhận vai trò dẫn đường, đầu tàu của TP HCM và tạo cơ chế đặc biệt thúc đẩy thành phố phát triển như các Nghị quyết 01, 20, 16, 31, và mới đây nhất là Nghị quyết 98 về thí điểm 44 cơ chế, chính sách đặc thù.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (áo trắng, hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) trong một chuyến khảo sát với Nhóm Thứ Sáu. Ảnh: Tư liệu

Tinh thần đi đầu, tiên phong của TP HCM kéo dài đến khoảng năm 2008, sau đó có dấu hiệu chậm dần và thời gian gần đây chững lại, theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.

“Các lý do tạo nên tính tiên phong của thành phố đã dần biến mất, cùng lúc xuất hiện những điểm nghẽn mới”, ông Thành nói.

Chuyên gia phân tích, hơn hai thập kỷ sau Đổi mới, vai trò lãnh đạo của TP HCM thể hiện rất mạnh mẽ. Các mô hình, chính sách mới xuất phát từ thành phố, phát huy hiệu quả rồi được Trung ương thể chế hóa. Lãnh đạo không ngại “xé rào” để có được cách làm tốt nhất.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, TP HCM mất dần động lực dẫn đầu. Thậm chí, có những chính sách đổi mới sau này nơi khác làm tốt nhưng thành phố vẫn không thực hiện. Ví dụ như cơ chế khai thác nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng mà TP Đà Nẵng áp dụng giai đoạn 2003-2013.

Theo ông, nguyên nhân đầu tiên là nguồn lực của thành phố không được tái đầu tư bởi áp lực thu ngân sách phải chuyển về Trung ương để hỗ trợ nơi khác. Người dân, doanh nghiệp đóng góp nhiều, nhưng thành phố không được tái đầu tư khiến nơi này mất dần động lực.

“Không có một trung tâm kinh tế nào trên thế giới mà gần 4/5 nguồn thu trên địa bàn phải chuyển đi nơi khác như TP HCM”, ông Thành nói.

Hệ quả thấy rõ là hạ tầng. Trước kia, TP HCM và Đông Nam Bộ là nơi có hạ tầng tốt nhất nước và “cùng nhau thịnh vượng” thì giờ đây ách tắc. Cùng với đó, vai trò Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dần không còn được nhắc đến, các địa phương trong vùng thay vì hợp tác lại cạnh tranh nhau, biểu hiện rõ nét nhất của tính cục bộ này là hạ tầng kết nối.

Thứ hai là sự chuyển dịch chậm chạp của chính thành phố. Theo quy luật, khi một địa phương giàu lên phải nhanh chóng chuyển dịch sang ngành công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, bởi không thể cạnh tranh những ngành thâm dụng lao động với các địa phương khác. Tuy vậy, thành phố chưa cải thiện được năng suất, không chuyển dịch được ngành có giá trị gia tăng cao khi ngành công nghiệp sản xuất đã mất lợi thế cạnh tranh.

Cuối cùng, ông Thành cho rằng độ mở của TP HCM cũng đóng vai trò quan trọng trong sự chậm lại những năm gần đây. Thành phố là trung tâm tài chính của cả nước, khi có bất ổn vĩ mô, khủng hoảng, cú sốc bên ngoài thì nơi này bị ảnh hưởng nặng nhất.

“Những năm gần đây, nhiệm kỳ nào cũng có những cú sốc vĩ mô tác động lên thành phố và đây không phải lỗi của thành phố”, ông Thành nói. Ví dụ năm 2008 – 2009 là cú sốc tài chính, 2011-2012 là bất động sản, 2020 đến nay là Covid, xung đột giữa các nước… “Khi đã có những bất ổn thì khó lòng làm được điều gì mới mà phải lo khắc phục khó khăn”, ông Thành lý giải.

Thời cơ cho TP HCM mới

Mới đây, trong sự kiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của thành phố, đặc biệt khi sáp nhập thêm Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

“Thành phố luôn là động lực tăng trưởng của cả nước và khu vực, trung tâm đổi mới sáng tạo nhất của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng đều xuất phát từ TP HCM. Do đó, thành phố cần giữ vững vai trò này”, ông nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tín hiệu cải cách của Trung ương mang lại nhiều cơ hội cho TP HCM bởi “thành phố sẽ là nơi hưởng lợi tiềm năng nhiều nhất từ lần sáp nhập này”. Bình Dương là vùng sản xuất công nghiệp, chế tạo mạnh nhất của cả nước, kết hợp với trụ sở kinh doanh, tài chính đặt ở TP HCM, cảng biển, logistics ở Vũng Tàu…

Tuy nhiên, bên cạnh sáp nhập địa giới hành chính, ông Thành cho rằng cần có những cải cách về tài chính công.

“Trong bối cảnh này, nguồn thu của TP HCM vẫn phải chuyển giao cho nơi khác, nhưng Trung ương cần có cơ chế để không làm mất động lực của thành phố, tức tạo điều kiện cho thành phố có nguồn khác để tái đầu tư”, chuyên gia nói.

Về phía thành phố, ông Thành cho rằng vai trò của đội ngũ lãnh đạo rất quan trọng, nhưng cùng với đó phải cải cách thể chế để họ dám nghĩ, dám làm, mà vẫn được bảo vệ.

Chuyên gia phân tích về mặt thể chế, việc phát triển của TP HCM cứ theo “vòng luẩn quẩn”. Muốn tăng trưởng nhanh thì lãnh đạo phải dám nghĩ dám làm; người lao động, doanh nhân phải “bung ra” sản xuất kinh doanh, đầu tư. Do đó, hệ thống chính trị cũng như thị trường cần sự “cởi trói” đồng loạt để mọi người có khí thế làm ăn, tăng trưởng cao, lãnh đạo phát huy tính chủ động.

Tuy nhiên, sau thời gian quá trình cởi trói, hệ thống quản lý nhà nước lại tạo ra lỗ hổng nên Nhà nước phải xử lý, lấp lại các lỗ hổng đó bằng cách “siết lại tất cả”. Hệ thống quy định rất chi tiết để cán bộ, công chức “chỉ việc làm theo, tránh bị sai”, mất dần tính sáng tạo. “Không nơi nào khác, TP HCM chính là nơi biểu hiện rõ ràng nhất của cái vòng luẩn quẩn này”, chuyên gia cho biết.

Vì vậy ở lần “cởi trói” này, chính quyền phải rất kiên định xây dựng thể chế thị trường và đẩy mạnh sự giám sát của người dân trong hệ thống quản lý nhà nước bằng cách áp dụng khoa học công nghệ.

“Khi hệ thống minh bạch, có trách nhiệm giải trình trước doanh nghiệp, người dân thì Đảng, Nhà nước hoàn toàn tự tin trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố và cấp phường xã mà không sợ một thời gian lại bảo anh xé rào, chủ động sáng tạo mà làm chưa đúng”, ông Thành nói.

TP HCM sẽ sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu thành TP HCM mới

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng điểm then chốt không chỉ được trao quyền mà là cách thành phố sử dụng quyền đó để tạo đột phá thực chất, nhất là lựa chọn con người và mô hình quản trị mới. TP HCM cần khơi thông lại các nguồn lực từ đội ngũ nhân sự chất lượng cao, quy tụ người giỏi và cho cơ chế, môi trường làm việc để thử những cách làm mới.

Ở cấp độ quản trị, thành phố cần mạnh dạn thí điểm những mô hình tổ chức mới, tinh gọn bộ máy hành chính, giao quyền nhiều hơn cho cơ sở, và chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, TP HCM đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng lịch sử đã chứng minh, chính những giai đoạn khó khăn nhất lại thúc đẩy thành phố tìm ra cách làm mới.

“Câu hỏi hiện nay không chỉ là ‘làm gì’ mà là ‘ai sẽ làm và có đủ cam kết không’. Nếu câu trả lời là có, TP HCM hoàn toàn có thể bước qua chu kỳ chững lại để tiến vào một giai đoạn phát triển mới, hiện đại, thông minh và bản lĩnh như chính lịch sử của mình”, ông kỳ vọng.

Nội dung: Lê Tuyết
Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 6

No votes so far! Be the first to rate this post.