Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật – rss

Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu và hai Phó ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo quyết định của Bộ Chính trị ngày 30/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật có 23 ủy viên, trong đó 7 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo khác gồm: Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí; Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Phó thủ tướng Lê Thành Long và Bùi Thanh Sơn; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn; Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Cùng ngày, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết đặt mục tiêu Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội để đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.





Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, sáng 29/3/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, sáng 29/3/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành tháo gỡ những điểm nghẽn trong quy định pháp luật; hai năm sau hoàn thành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp (trung ương, tỉnh, xã). Năm 2028, Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, tiệm cẩn chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao năm 2045.

Người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm

Để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Bộ ngành, cơ quan Quốc hội cơ cấu ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật. Ở địa phương, giám đốc sở Tư pháp được tham gia cấp ủy cấp tỉnh. Bộ Tư pháp điều động, luân chuyển cán bộ, công chức đi địa phương và làm việc ở bộ ngành để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn.

Theo nghị quyết, công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm; phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; đảm bảo sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được.

Các quy định phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chỉ quy định những vấn đề khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền Quốc hội, còn vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ ngành, địa phương quy định để linh hoạt, phù hợp thực tiễn.

Quan điểm là người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm phải thực hiện nhất quán.

Bố trí 0,5% tổng chi ngân sách cho xây dựng pháp luật

Cùng với xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế thị trường theo hướng xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp, Bộ Chính trị yêu cầu triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh.

“Bảo đảm thực chất quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng; sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, Nghị quyết nêu.

Các quy định cần tạo cơ sở pháp lý để kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả nguồn lực vốn, đất đai, nhất lực chất lượng cao; thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, khu kinh tế trọng điểm sẽ được xây dựng cơ chế đột phá, vượt trội, cạnh tranh.





Công chức làm việc tại bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, tháng 3/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Công chức làm việc tại bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, tháng 3/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Bộ Chính trị nghiêm cấm lợi dụng phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để trục lợi hoặc can thiệp, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. “Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế”, Bộ Chính trị yêu cầu.

Nguồn nhân lực trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật sẽ có cơ chế đặc biệt để thu hút. Việt Nam sẽ xây dựng chiến lược để các chuyên gia tăng cường hiện diện trong các tổ chức pháp lý quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế.

Ngân sách sẽ đảm bảo chi cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sẽ được thành lập, do ngân sách đảm bảo kết hợp với kinh phí xã hội hóa.

Vũ Tuân

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 7

No votes so far! Be the first to rate this post.