
Tại Sở Chỉ huy mặt trận, cách Sài Gòn 80 km, đại tướng Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh, chiến sĩ vây quanh máy thu thanh nghe bản tin đầu hàng.
“Toàn thắng! Chúng ta toàn thắng rồi” – tướng Dũng cùng các đồng chí reo lên, ôm nhau xúc động. “Cái giây phút lịch sử thiêng liêng này, sảng khoái và hả hê này, cả một đời người, cả nhiều đời người mới có”, ông thuật lại trong hồi ký.
Cùng lúc đó, điện của Bộ Chính trị từ Thủ đô vừa gửi đến chúc mừng đại thắng. Cuộc chiến dài đẵng đẵng khép lại, chấm dứt 30 năm chia cắt hai miền. Tại Hà Nội, tin chiến thắng phát đi trên Đài tiếng nói Việt Nam, người dân đốt pháo, tung hoa, vẫy cờ, mừng hòa bình.
“Ở Sài Gòn, các cánh cửa mở tung, dân chúng bắt đầu đổ ra đường, nỗi sợ được xóa bỏ”, ông Nguyễn Hữu Thái kể lại.
Khi “mùi chiến tranh” kết thúc
Sau bản tin đầu hàng, chương trình phát thanh được ông Thái tiếp tục điều hành với lời phát biểu của nhiều tầng lớp, kêu gọi công nhân, nhân viên quay về nhà máy, nhiệm sở, đời sống Sài Gòn trở lại bình thường.
Tại Đài phát thanh lúc đó tập trung nhiều sinh viên, thanh niên. Trong đám đông khi ấy còn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Thái mời người nhạc sĩ gốc Huế lên phát biểu. Sau lời chia sẻ “hôm nay thực sự là cái ngày vòng tay lớn đã được nối kết”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất giọng hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn. Không có đàn, ông Thái cùng mọi người đứng vây xung quanh vỗ tay, gõ nhịp cùng hòa giọng.
Ông Nguyễn Hữu Thái kể về khoảnh khắc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng người dân Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn
Chiều hôm đó, khắp thành phố chỉ còn vài cuộc đụng độ lẻ tẻ nhưng nhanh chóng được dập tắt, dấu vết ít ỏi của cuộc chiến hiện diện qua những xác máy bay đối phương bỏ lại trong quá trình di tản.
Jim và đồng nghiệp lần đầu tiên được trải nghiệm đi tuần tra cùng bộ đội. Họ men theo các cung đường trong nội đô tìm những người của phía bên kia còn ẩn náu. Hiếm có tiếng súng nổ hay đổ máu, quá trình chuyển giao quyền lực ở Sài Gòn diễn ra yên bình.
Cùng thời điểm, nhà báo Hoàng Văn Cường leo lên một chiếc xe tăng rong ruổi cùng các chiến sĩ cách mạng quanh thành phố. Hai bên đường, người dân vẫy tay chào những người lính áo xanh, đầu đội mũ cối. Người Sài Gòn và bộ đội bắt đầu làm quen nhau.
17h ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn ngưng tiếng súng. Thành phố hơn 3,5 triệu dân trải qua cuộc chiến tranh 30 năm.
Trong cuộc nói chuyện với nội các Dương Văn Minh hai ngày sau đó, thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định nói: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”.
Kết thúc ngày tác nghiệp lịch sử, ông Cường buồn vui lẫn lộn – hạnh phúc vì đất nước thống nhất, nhưng lòng gợn buồn khi bạn bè, gia đình chia ngả. Dù vậy, với ông điều thiêng liêng nhất là “toàn dân được hưởng thanh bình”.
“Mùi chiến tranh không còn nữa, súng đạn không còn nữa, sung sướng lắm, hạnh phúc lắm”, ông nói trong tiếng khóc.
Tối hôm đó, lần đầu tiên ông Thái về nhà sau một tháng phải ở ẩn do hoạt động cách mạng. Ngước mắt nhìn bầu trời đã im tiếng đạn và tiếng máy bay, trên đường không còn bóng xe quân sự “chạy tới lui”, ông mới thấy “thấm thía giá trị của hòa bình”.
Kể từ năm 1979, gần như năm nào nhà báo Jim Laurie cũng trở lại Việt Nam và ghé thăm Sài Gòn. Thành phố này gắn với ký ức tuổi trẻ của ông và những năm đầu theo nghề báo. Theo sát từng dấu mốc của thành phố cũng như Việt Nam, ông ngạc nhiên trước sự đổi thay của đất nước hình chữ S.
“Sài Gòn giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị lớn và là một thành phố hoàn toàn mới. Tôi không thể hình dung được nơi này lại thay đổi nhanh như vậy sau 50 năm”, ông nói.