HDBank – từ ngân hàng phát triển nhà của TP HCM đến tập đoàn tài chính tỷ USD

HDBank – từ ngân hàng phát triển nhà của TP HCM đến tập đoàn tài chính tỷ USD – rss

Năm 2025, HDBank hướng đến tổng tài sản hướng đến 1 triệu tỷ đồng, sau kết quả 2024 lãi 16.730 tỷ đồng, tổng tài sản 697.366 tỷ đồng. Chuỗi tăng trưởng bền vững 12 năm liên tiếp cùng kết quả này được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận xét “ít đơn vị nào có được”.

Những dấu ấn HDBank bồi đắp suốt 35 năm, được quỹ đầu tư Affinity Equity Partners ví như “cây tre đã chắc rễ chờ ngày vươn mình”. Vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng, đến nay đạt con số 35.101 tỷ đồng. Không chỉ vậy, sự phát triển của ngân hàng song hành cùng những cột mốc lớn của TP HCM và đất nước.

HDBank thành lập vào ngày 11/2/1989 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà TP HCM, với nhân sự khoảng 50 nhân viên và vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, trong bối cảnh Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi mô hình kinh tế.

Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã khởi xướng công cuộc Đổi mới, mở đường cho việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam chủ yếu gồm quốc doanh, hoạt động theo mô hình một cấp, vừa thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương vừa đảm nhiệm vai trò của thương mại, chưa có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, tháng 3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 53/HĐBT, định hướng chuyển hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh. Đến tháng 5/1990, hai Pháp lệnh về ngân hàng được thông qua, chính thức chuyển cơ cấu hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ một cấp sang hai cấp: Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng.

Sự chuyển đổi này đặt nền móng cho việc hình thành các ngân hàng thương mại cổ phần, mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, góp phần đa dạng hóa hệ thống tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo đơn vị, sự ra đời của HDBank gắn liền với chủ trương chỉnh trang đô thị do UBND TP HCM triển khai trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. HDBank được thành lập với sứ mệnh ban đầu là phát triển nhà ở và cải tạo hạ tầng đô thị, góp phần xây dựng TP HCM ngày càng hiện đại, văn minh. Với sứ mệnh này, trong suốt quá trình phát triển, nhà băng luôn gắn bó và đồng hành cùng sự chuyển mình của thành phố nói riêng, cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Năm 1997, Quốc hội chính thức thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh hơn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó có khu vực ngân hàng TMCP như HDBank. Cùng thời gian đó, khi khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế: chấn chỉnh hệ thống, từng bước xử lý nợ tồn đọng và nâng cao năng lực tài chính. Trong bối cảnh ấy, HDBank vẫn giữ hoạt động ổn định, tuân thủ quy định điều hành.

Bước sang thế kỷ 21, ngành ngân hàng Việt Nam vào giai đoạn tăng trưởng nóng. Sự bùng nổ của các sản phẩm tài chính bán lẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử, cùng làn sóng công nghệ đã thay đổi căn bản hoạt động ngành. Năm 2002, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, chính thức vận hành, mở ra kỷ nguyên hiện đại hóa của lĩnh vực này tại Việt Nam.

HDBank nhanh chóng nắm bắt xu thế, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, hiện đại hóa hệ thống core banking, triển khai các dịch vụ mới như Internet banking, thẻ ATM, tín dụng tiêu dùng. Cùng thời điểm, đơn vị từng bước mở rộng mạng lưới ra nhiều tỉnh, thành phố, không còn bó hẹp trong khuôn khổ TP HCM.

Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 là một cột mốc quan trọng, thúc đẩy ngành ngân hàng đẩy mạnh hội nhập, cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh. HDBank tích cực chuẩn hóa hệ thống quản trị, tăng vốn điều lệ, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro để đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh ngày từ các tổ chức tài chính quốc tế. Nhà băng giữ vững chiến lược tăng trưởng bền vững, an toàn vốn và hiệu quả hoạt động.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đặt ra bài toán điều hành linh hoạt cho toàn ngành ngân hàng. Dưới định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ được chuyển hướng từ kiềm chế lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng. Song song với quá trình mở rộng dịch vụ, HDBank cũng tập trung củng cố nội lực: tăng vốn điều lệ nhiều lần từ 70 tỷ đồng năm 2002 lên 1.550 tỷ đồng vào cuối năm 2008. Đồng thời nhà băng từng bước chuẩn hóa bộ máy quản trị, kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả vận hành.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, hệ thống ngân hàng Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như: nợ xấu gia tăng, thanh khoản suy giảm và hiệu quả hoạt động thấp. Trước tình hình đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011–2015, mục tiêu xử lý triệt để những đơn vị yếu kém, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.

Trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp như sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, xử lý sở hữu chéo và tăng cường quản lý rủi ro. Đặc biệt, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra sôi động, với 7 thương vụ M&A được thực hiện trong gần 6 năm (2011-2016).

Hình ảnh HDBank hiện diện giữa lòng TP HCM năng động – nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Ảnh: Thanh Tùng

Trong bối cảnh đó, HDBank chủ động tham gia tái cơ cấu ngành bằng những bước đi chiến lược. Năm 2011, sau 22 năm hoạt động, đơn vị chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM, nhằm phù hợp với những chuyển biến và chiến lược phát triển mới trong hiện tại, tương lai.

Sau hai năm, vào 2013, HDBank ghi dấu ấn trên thị trường khi là trường hợp đầu tiên tự nguyện nhận sáp nhập một ngân hàng khỏe mạnh – ngân hàng TMCP Đại Á. Tại thời điểm sáp nhập DaiA Bank đã có lịch sử hoạt động 20 năm, vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng.

Ngay sau đó, trong cùng năm nhà băng tiếp tục mua lại 100% vốn của công ty tài chính Societe Generale Viet Finance (SGVF), thành viên của Tập đoàn ngân hàng Societe Generale (Pháp) và đổi tên thành HDFinance. Thương vụ tiếp theo diễn ra không lâu sau đó khi HDBank hợp tác với đối tác Nhật Bản, bán 49% cổ phần và chính thức ra mắt thương hiệu HD Saison.

Theo đại diện nhà băng, với hai thương vụ này, HDBank từ một ngân hàng hoạt động chỉ trong phạm vi TP HCM và Đông Nam bộ, đã gia tăng quy mô hoạt động trên cả nước, năng lực phát triển mở rộng ở các lĩnh vực khác nhau. Đến năm 2016, hệ thống của HDBank đã có mặt trên các tỉnh thành với 285 điểm giao dịch ngân hàng và 16.000 điểm giới thiệu dịch vụ tài chính, phục vụ hàng triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Bước sang giai đoạn 2017-2020, đơn vị tiếp tục củng cố vị thế bằng cột mốc quan trọng, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank chính thức lên sàn Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Cổ phiếu HDB nhanh chóng lọt vào top 20 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, gia nhập các rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN-Diamond và VNSI, góp phần tăng thanh khoản thị trường và thu hút dòng vốn đầu tư trong, ngoài nước. Sự kiện này mở ra chương mới cho ngân hàng, thể hiện năng lực quản trị minh bạch, tiêu chuẩn hóa theo các thông lệ quốc tế.

Từ năm 2020 đến nay, ngành ngân hàng Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên số hóa, dưới tác động đồng thời của xu thế toàn cầu và yêu cầu nội tại về nâng cao hiệu quả hoạt động, trải nghiệm khách hàng cùng năng lực cạnh tranh quốc tế. Không đứng ngoài làn sóng này, HDBank xác định chuyển đổi số là chiến lược cốt lõi trong hành trình phát triển giai đoạn mới. Đến cuối năm 2024, hơn 97% giao dịch cá nhân tại HDBank đã thực hiện trên nền tảng số, với gần 76 triệu lượt giao dịch một năm, trong đó 85% khách hàng mới đến từ các kênh số.

Chiến lược chuyển đổi số của HDBank được triển khai bài bản theo 4 trọng điểm: tự động hóa trải nghiệm người dùng, mở rộng điện toán đám mây (AWS), tích hợp eKYC, AI, machine learning và thiết kế 63 dịch vụ tài chính cho 63 tỉnh thành, đặc biệt hướng đến tài chính nông thôn. Không gian giao dịch cũng được tái cấu trúc, kết hợp mô hình vật lý và trực tuyến, biến các chi nhánh truyền thống thành trung tâm trải nghiệm công nghệ, hướng đến thế hệ khách hàng mới, yêu thích sự linh hoạt, tiện lợi.

Không dừng lại ở số hóa nội bộ, HDBank còn tiên phong đầu tư dài hạn vào công nghệ. Ngày 1/11/2023, Galaxy Innovation Hub chính thức hoạt động, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt Nam, đặt tại Khu Công nghệ cao TP HCM. Đây là nơi kết nối các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec, Meta, Samsung, Intel với các startup nội địa, mở ra không gian hợp tác công nghệ, tài chính giàu tiềm năng.

Đầu năm 2025, HDBank tiếp nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) từ Ngân hàng Nhà nước và nhanh chóng tái thiết thành Vikki Digital Bank – ngân hàng số thế hệ mới, hiện đại và thân thiện. Bộ máy quản trị và vận hành đã được kiện toàn, hơn 4.000 nhân viên bước vào chương phát triển mới với tinh thần đổi mới toàn diện.

Ngày 17/2, Vikki Digital Bank đồng loạt mở cửa trên toàn quốc, trở thành ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam tích hợp thanh toán không tiền mặt vào tuyến Metro số 1, biểu tượng giao thông đô thị hiện đại của TP HCM.

Trải qua 35 năm phát triển, HDBank đã chứng kiến và vượt qua nhiều biến động kinh tế: từ khủng hoảng tài chính khu vực châu Á 1997, toàn cầu 2008, đại dịch Covid-19, đến xung đột địa chính trị kéo dài trên thế giới. Theo đại diện đơn vị, dù ở giai đoạn nào, HDBank vẫn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, đồng hành cùng cộng đồng.

Năm 2024, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 16.730 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 105,5% kế hoạch đề ra. Các chỉ số hiệu quả hoạt động tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu ngành, với ROE đạt 25,7% và ROA đạt 2,04%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 437.731 tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm trước, trong khi tổng huy động đạt 621.119 tỷ đồng, tăng 16%, đảm bảo tốt nhu cầu vốn và an toàn thanh khoản cao.

Cùng với hoạt động kinh doanh, HDBank cũng để lại dấu ấn trong các chương trình vì cộng đồng. 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng đã trao tặng hàng chục nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học sinh hiếu học. Đơn vị còn triển khai gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng cho người dân vùng bão lũ, tích cực hưởng ứng Chương trình xóa nhà tạm theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.

Tag: kinhte-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.