Trụ sở dôi dư sau sáp nhập nên sử dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao?

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập nên sử dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao? – rss

sáp nhập - Ảnh 1.

Tòa nhà này trước đây là trụ sở UBND quận 3 (TP.HCM), khi UBND quận 3 xây trụ sở mới đã bàn giao lại làm trụ sở Nhà thiếu nhi quận 3 – Ảnh: TỰ TRUNG

Cưới hỏi ở nhà văn hóa xã, tại sao không! Thêm bệnh viện, trường học mới ở mặt bằng trụ sở dôi dư, làm cách nào hiệu quả nhất? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến chuyên gia, bạn đọc xung quanh vấn đề này.

* Ông LÊ NHƯ TIẾN (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội):

Cho tư nhân đấu thầu trụ sở đất vàng?

sáp nhập - Ảnh 2.

Ông Lê Như Tiến

Thời gian qua, khi sáp nhập một số địa phương cấp xã, huyện đã có hiện tượng các trụ sở dôi dư bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. 

Trong đợt sắp xếp bộ máy lần này, ngay từ đầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, hướng dẫn về việc xử lý.

Khi xây dựng đề án sắp xếp, các địa phương, đơn vị cũng phải xây dựng phương án xử lý đối với trụ sở, tài sản. Tới đây việc xử lý vấn đề trụ sở dôi dư sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước.

Có hai nhóm tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bao gồm trụ sở hành chính và trang thiết bị trong trụ sở. Các trang thiết bị như xe ô tô, bàn ghế, máy tính, máy in… xử lý dễ hơn thông qua bán đấu giá. 

Nhưng với trụ sở dôi dư thì việc xử lý sẽ phức tạp hơn, bởi cùng với trụ sở cấp xã thì trụ sở của cấp tỉnh, cấp huyện cũng nhiều. Ở cấp tỉnh, huyện, ngoài trụ sở HĐND, UBND còn trụ sở các cơ quan Đảng, các sở, ngành, phòng… 

Cần có phương án cụ thể để xử lý, tránh lãng phí nguồn lực rất lớn này. Cần rà soát, thống kê cụ thể các trụ sở trên cả nước để có cái nhìn toàn diện, phương án sắp xếp phù hợp.

Chúng ta rất thiếu các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế ở các địa phương. Vì thế, có thể xem xét chuyển đổi công năng các trụ sở này cho các trường học, bệnh viện… sử dụng. Hoặc có thể chuyển thành các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, công viên, khu tập luyện thể thao cho người dân…

Các trụ sở đều ở các vị trí “đẹp, đất vàng”, trung tâm, giao thông thuận lợi. Nếu các nơi cơ sở giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa đã cơ bản đủ hay với các trụ sở quá cũ, việc sửa chữa tốn kém lớn có thể nghiên cứu cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu, để đưa vào sản xuất kinh doanh. Số tiền thu được này sẽ bổ sung nguồn lực để phát triển, chăm lo an sinh xã hội tại địa phương.

* Ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp):

Tiết kiệm chi phí đầu tư văn hóa, giáo dục

sáp nhập - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Hòa

Thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có trên 11.000 cơ sở nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. 

Trong đó còn 52 trụ sở cấp huyện và 297 trụ sở cấp xã dôi dư chưa được xử lý sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.

Nhưng nhiều địa phương, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội có nhu cầu rất lớn về không gian sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi cho trẻ em và các trường học. 

Vì vậy việc sử dụng các trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính để phục vụ cho các thiết chế văn hóa và giáo dục đang rất cần thiết.

Việc sử dụng này đồng thời giải quyết được nhu cầu thực tế của từng địa phương, vừa không để lãng phí tài sản công và giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư cho các công trình văn hóa, giáo dục. Các cơ sở này thường nằm ở vị trí thuận lợi, có sẵn hạ tầng nên việc cải tạo trở nên dễ dàng hơn.

* Ông NGUYỄN ĐỨC LAM (cố vấn chính sách, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Công – tư kết hợp khai thác

sáp nhập - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Lam

Nếu bỏ gần 700 đơn vị cấp huyện, trừ những trụ sở tiếp tục được sử dụng cho các cơ quan nhà nước, ở các thành phố hoặc khu vực đông dân cư, có thể nên tính đến phương án khai thác kinh tế, cho thuê lâu năm để làm văn phòng làm việc, trường tư, bệnh viện tư… 

Giải pháp xử lý các trụ sở công quyền dôi dư theo hướng này vừa vẫn giữ được quyền sở hữu công sản, vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay của người dân về giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác.

Ngoài ra cũng có thể chuyển các trụ sở dôi dư này thành các thiết chế văn hóa cho địa phương. Tuy nhiên, khi khai thác hướng này cần tính toán mô hình để sử dụng cho hiệu quả, vì các thiết chế văn hóa công hiện nay nhiều cái không có người đến, rất lãng phí. Lý do là vì các thiết chế này đều do cơ quan hành chính vận hành, quản lý nên không hiệu quả. Có thể tính đến mô hình công tư kết hợp.

* Bà Trần Khánh Thu (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình):

Chuyển đổi công năng phù hợp từng loại trụ sở

sáp nhập - Ảnh 5.

Bà Trần Khánh Thu

Với trụ sở dôi dư sau sắp xếp, có ý kiến chuyên gia đề nghị nên bố trí thành trường học, thiết chế văn hóa, thể thao cho người dân, có đề xuất bố trí thành bệnh viện… Theo tôi, các phương án đưa ra phải phù hợp với từng địa phương, công năng sử dụng phải phù hợp với từng trụ sở để tái sử dụng cho hợp lý. Nếu cứ chuyển sang để phải bỏ kinh phí đầu tư sửa chữa cải tạo thì lại còn lãng phí, tốn kém hơn.

Do vậy cần phải có phương án đánh giá, đề xuất xử lý phù hợp với tài sản công dôi dư. Bên cạnh việc tối ưu công năng tài sản, có những trụ sở có thể mời doanh nghiệp tư nhân vào cùng khai thác hoặc có thể bán đấu giá để tăng ngân sách nhà nước.

sáp nhập - Ảnh 6.

Nhà văn hóa đa chức năng để tránh lãng phí

Xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch là một trong số các xã sẽ sáp nhập của tỉnh Quảng Bình trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính địa phương thành hai cấp.

Xã có bốn thôn thì thôn nào cũng có một nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Nhiều năm qua, những nhà văn hóa này được các thôn sử dụng theo cách đa chức năng để tận dụng tối đa công năng của công trình.

Thôn Phúc Kiều nằm gần trụ sở UBND xã. Nhà văn hóa của thôn cũng nằm sát bên trụ sở UBND xã nên đây trở thành điểm sinh hoạt chung.

Chính quyền thôn cho biết từ khi xây dựng nhà văn hóa đến nay được hơn 5 năm, chức năng chính của nhà văn hóa thôn vẫn phục vụ cho các hoạt động hội họp, các sinh hoạt văn hóa hay tổ chức lễ hội, Tết của bà con trong thôn.

Tuy nhiên, giá trị của nhà văn hóa đối với người dân địa phương còn được mở rộng hơn khi đây trở thành nơi được nhiều người trong thôn chọn tổ chức lễ cưới hỏi cho con em.

Bà Lê Thị Thủy, một hộ dân, cho biết ưu điểm của nhà văn hóa thôn là diện tích khuôn viên rộng, lại ở ngay giữa thôn nên nhiều hộ dân chọn làm nơi tổ chức đám cưới thay vì ở nhà phải dựng rạp lấn đường hay phải đi cách 2km mới có nhà hàng tiệc cưới tốn kém chi phí hơn.

Chính quyền thôn cũng linh động khi chỉ cần ngày người dân tổ chức đám cưới không trùng với lịch họp hành hay tổ chức sự kiện văn hóa thì đều nhiệt tình cho người dân sử dụng.

Hình thức là cho thuê, nhưng đời sống của người dân địa phương còn nghèo khó nên thường mỗi đám cưới chính quyền thôn chỉ thu từ 300.000 – 500.000 đồng. Số tiền này chủ yếu để chi trả tiền điện và dọn vệ sinh cho nhà văn hóa.

Thôn Sơn Tùng ở gần đó cũng vừa xây dựng lại nhà văn hóa từ bốn năm nay. Nhưng ngay từ khi còn dùng nhà văn hóa thôn cũ, ban lãnh đạo thôn cũng đã cho người dân mượn nơi để tổ chức cưới hỏi.

Lãnh đạo xã Quảng Tùng nói nhà văn hóa thôn là nơi người dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, việc sinh hoạt chỉ mang tính định kỳ. Vì thế việc cho người dân sử dụng nhà văn hóa thôn trong các dịp cưới hỏi cũng là cách để tăng công năng, chống lãng phí cho nhà văn hóa. Nếu để không thì nhà văn hóa cũng xuống cấp.

Trung tâm văn hóa, thể thao còn ít hoạt động

Trung tâm Văn hóa – Thể thao liên phường Bình Trị Đông và Trung tâm Văn hóa – Thể thao liên phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) đều có sân khá rộng rãi, sạch sẽ và khang trang.

“Tôi không biết rõ các hoạt động cụ thể của trung tâm này, ít thấy có những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Mong sao nơi này được phát huy tốt, có nhiều hoạt động để người dân tham gia” – một người dân bày tỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết quận có Trung tâm Văn hóa – Thể thao liên phường Bình Trị Đông và Trung tâm Văn hóa – Thể thao liên phường Bình Hưng Hòa vừa sửa chữa khang trang hơn để có địa điểm thuận lợi cho người dân sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Dự kiến đến 30-4 hai trung tâm văn hóa – thể thao liên phường nêu trên sẽ khánh thành.

Kế bên Trung tâm Văn hóa – Thể thao liên phường Bình Trị Đông có di tích lịch sử Đình Tân Khai, Nhà Bia truyền thống, hướng tới tại đây sẽ làm công tác vừa sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Thời gian trước do trung tâm trên xuống cấp nên chưa có nhiều hoạt động, sau khi khánh thành nơi đây sẽ có nhiều hoạt động.

Trung tâm văn hóa “lạnh lẽo”, người dân tổ chức tiệc cưới ở ngoài đường

Thêm thiết chế văn hóa từ trụ sở dôi dư - Ảnh 2.

Tôi ở một phường thuộc một trong những quận đông nhất của thành phố. Trung tâm văn hóa phường cách nhà tôi chừng 200m, khuôn viên rất rộng so với những nơi khác. Nhưng ngoài những buổi chiều thường xuyên mở cửa dạy các lớp học võ thì thời gian còn lại hầu như đều đóng cửa im ỉm.

Vài buổi sáng khi tập thể dục qua đây, cửa khóa, người dân thì đứng trước cổng mở nhạc, tập thể dục. Khu nhà văn hóa không ai được vào đã đành, khuôn viên bên ngoài rộng rãi, nhiều cây xanh cũng vắng người.

Trong khi đó người dân thường xuyên có tiệc tùng, hỏi cưới, đám tang…, nếu không tổ chức ở các trung tâm tiệc cưới, nhà tang lễ thì nhiều người lại tổ chức ngoài đường. Đường đã hẹp, việc chắn phân nửa lòng đường khiến việc đi lại khó khăn, gây cản trở.

Cách nay không lâu, một đoạn đường dài hơn 100m bị chiếm hơn phân nửa lòng đường để dựng rạp làm tiệc cưới. Một đoạn gần đó còn được tận dụng làm bãi giữ xe.

Tôi từng thắc mắc: những hoạt động này sao không được đưa vào trung tâm văn hóa, vốn còn rất rộng rãi và chưa có nhiều hoạt động? Vậy chức năng của các trung tâm này là gì, ngoài những lớp dạy võ vào buổi chiều chỉ loe hoe vài chục học sinh? Quá lãng phí.

Bạn đọc HỒNG ĐIỆP

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 5

No votes so far! Be the first to rate this post.