Sữa giả: Hậu kiểm đừng ‘cưỡi ngựa xem hoa’

Sữa giả: Hậu kiểm đừng ‘cưỡi ngựa xem hoa’ – rss

sữa giả - Ảnh 1.

Đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả bị cơ quan chức năng triệt phá khiến nhiều người bức xúc – Ảnh: TTO

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM dù chưa phát hiện sữa giả như phản ánh tại một số địa phương khác vẫn tiếp tục phối hợp để quản lý, kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gian lận, hàng giả.

Đây là những động thái ra tay cần có với vụ hơn nửa triệu loại sữa bột giả ở các địa phương tại miền Bắc vừa bị phát giác mà đến nay nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình.

Vụ 600 loại sữa giả bắt đầu từ một nhà máy của 2 doanh nghiệp, sau đó thành “hệ sinh thái” với 9 công ty sản xuất, phân phối sữa bột giả suốt thời gian dài. 

Thế nhưng điều đáng nói trong 4 năm cơ quan chức năng không kiểm tra, phát hiện vi phạm!

Trong khi đó, năm 2024, theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 138.000 vụ vi phạm về gian lận thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng… nhưng vắng bóng các loại sữa giả trên.

Doanh nghiệp sữa “khi đủ điều kiện” được đăng ký công bố, tự sản xuất và quản lý bởi các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm địa phương; còn chất lượng không qua khâu giám sát đầu vào.

Vì vậy, không khó để hiểu vì sao 4 năm qua hàng triệu sản phẩm được bày bán công khai trên thị trường nhưng các cơ quan chức năng dường như bỏ trống.

Giống như cơ chế nhiều nước trên thế giới, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, chế độ ăn đặc biệt và sữa được áp dụng cơ chế hậu kiểm, nhằm giúp doanh nghiệp giảm thủ tục hành chính, chi phí và thời gian.

Và thực tế nhiều sản phẩm sữa tự công bố dưới sự kiểm nghiệm của đơn vị thứ ba, thay vì phải kiểm nghiệm độc lập dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước. Đây là kẽ hở rất lớn để gian lận thương mại.

Chưa hết, hậu kiểm còn nặng tính hình thức. Doanh nghiệp được thông báo trước khi đoàn kiểm tra đến; hoặc đến kiểm tra sản phẩm rõ ràng kém chất lượng nhưng đơn vị đánh giá thiếu năng lực, không đánh giá đúng; hoặc “mắt nhắm mắt mở” với kết quả…

Cuối cùng mẫu số chung hậu kiểm cho ra kết quả… như mong muốn!

Một thực tế ai cũng thấy là muốn tránh những dàn xếp hay kẽ hở cho doanh nghiệp gian dối, hậu kiểm cần phải tiến hành đột xuất, lấy mẫu diện rộng và bắt buộc kiểm tra xác suất định kỳ.

Nếu cho rằng doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của cơ quan A, cơ quan A mới đủ quyền kiểm tra; hoặc chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao…

Việt Nam đã có đầy đủ bộ máy cơ quan để kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng lậu, hàng nhái; vậy các cơ quan này đã ở đâu trong suốt 4 năm qua với vụ sữa giả? Rõ ràng, qua vụ sữa giả, vấn nạn buông lỏng quản lý đáng báo động.

Tình trạng sữa giả tồn tại nhiều năm không chỉ đến từ hậu kiểm qua loa, quản lý buông lỏng mà còn “lỏng” ở các nội dung liên quan quảng cáo – một lĩnh vực đang nóng với nhiều sai phạm gần đây.

Cần ràng buộc trách nhiệm liên đới với người nổi tiếng, KOL… khi quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo láo cho sản phẩm; cần có chế tài mạnh hơn, cấm quảng cáo có thời hạn, phạt tiền lớn lẫn phạt tù chứ không phải khi xảy ra các vụ lùm xùm thời gian gần đây mới tính đến chuyện sửa quy định, sửa luật.

Khi đã lập lại hàng rào trong việc kiểm tra, đánh giá; khi có sự phối hợp từ nhiều ban ngành; khi đã nhận diện đủ “khoảng trống” sau phân phối, khi đó mới kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 8

No votes so far! Be the first to rate this post.