CEO Danny Le cho rằng nhà đầu tư còn chưa chắc vào đà lợi nhuận của mảng bán lẻ, nếu lãi liên tiếp 3-4 quý sẽ giúp cổ phiếu tăng theo.
Trong phần trao đổi cuối phiên họp thường niên ngày 25/4 của Tập đoàn Masan (MSN), một cổ đông đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp đang hoạt động tốt lên nhưng giá cổ phiếu lại giảm trong 18-24 tháng qua. Năm ngoái, doanh thu hợp nhất đạt gần 83.178 tỷ đồng, mức cao nhất gần 3 năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 4.272 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, MSN chốt phiên sáng nay ở 60.300 đồng một cổ phiếu. Mức này đã điều chỉnh gần 14% so với hồi đầu năm. Trong đợt biến động chung của thị trường hồi đầu tháng 4, giá cổ phiếu Masan có lúc rơi về sát 50.000 đồng. Lịch sử giao dịch của MSN trên sàn HoSE, thị giá có lúc lên vùng 145.000 đồng vào cuối năm 2021.
CEO Danny Le trả lời rằng thị giá cổ phiếu MSN có thể đang chịu ảnh hưởng bởi tâm lý lo ngại về đà có lãi bền vững của mảng bán lẻ. Ông nhấn mạnh, Masan không phải là tập đoàn đa ngành nghề, kinh doanh vốn hay doanh nghiệp tài chính. Họ là doanh nghiệp có thế mạnh cốt lõi trong sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ, khi các mảng này tốt lên, giá cổ phiếu có thể tăng theo.
Hiện tại, Masan Consumer – công ty con chuyên sản xuất hàng tiêu dùng – đang ghi nhận những kết quả tích cực. Song WinCommerce – đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Win – mới đạt lợi nhuận dương từ nửa cuối năm trước.
“WinCommerce cần có lãi 3 hoặc 4 quý liên tiếp nữa, nhà đầu tư mới tự tin hơn về cổ phiếu MSN, từ đó giá thị trường có thể cải thiện”, ông Danny Le nêu quan điểm.

Ông Danny Le, CEO Tập đoàn Masan. Ảnh: MSN
Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce, nhắc lại câu chuyện năm 2019 khi Tập đoàn Masan mua lại công ty này từ Tập đoàn Vingroup, thị trường hoài nghi liệu họ có thể cải tổ chuỗi bán lẻ này không. Đến nay, bà khẳng định họ đã có câu trả lời.
“Chúng tôi đã làm được ba vấn đề quan trọng nhất cho WinCommerce là tăng trưởng, có lãi và có dòng tiền ổn định”, bà nói.
Năm 2019, công ty lỗ EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế) khoảng 3.800 tỷ đồng, dù có khoảng 2.800 cửa hàng, chỉ ghi nhận 3 điểm bán có lãi. Đến năm 2024, EBIT đã tăng 4.000 tỷ và đạt 303 tỷ đồng, biên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) cửa hàng trung bình khoảng 7% và ghi nhận điểm hòa vốn doanh thu thấp nhất toàn ngành ở Đông Nam Á.
Nhờ tìm ra mô hình tối ưu cho khu vực nông thôn, chuỗi bán lẻ hiện đại này đã trở lại chiến lược mở mới cửa hàng mỗi ngày. WinCommerce đặt mục tiêu có hơn 4.500 điểm bán vào cuối năm nay, tương đương trung bình mở mới 2 cửa hàng mỗi ngày, trong đó 1.900 cửa hàng ở khu vực nông thôn. Công ty hướng tới doanh thu dự kiến 35.600-36.900 tỷ đồng, biên lợi nhuận sau thuế 1% trong năm nay.
Từ đây tới năm 2028, đơn vị này muốn có 8.000 cửa hàng và đến năm 2029, quy mô sẽ nâng lên 10.000 cửa hàng trên toàn quốc. Họ đặt mục tiêu mỗi quận – huyện sẽ có một siêu thị Winmart, mỗi xã – phường có một siêu thị mini Winmart+ và mỗi thôn – ấp sẽ có một cửa hàng hợp tác với các đối tác bán lẻ truyền thống Win+. Nếu thành công, doanh thu của WinCommerce có thể đạt 60.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận ròng khoảng 3-5%.

Bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce. Ảnh: MSN
Bà Phương tin rằng họ đã tìm được mô hình bán lẻ hiện đại tối ưu cho khu vực nông thôn. Chiến lược của họ là cứ 500 m sẽ có một cửa hàng, mang lại hàng tươi sống chất lượng, giá cả cạnh tranh, đồng thời phổ biến lối sống thành thị về thông qua trải nghiệm mua sắm
Các cửa hàng nông thôn của WinCommerce sẽ dựa trên mô hình hòa vốn thấp nhờ giảm chi phí đầu tư trên mỗi điểm bán. Bà Phương ví dụ cứ mỗi cm giấy in hóa đơn được rút đi, họ đã giảm khoảng 10 tỷ đồng chi phí mỗi năm. Do đó, ban lãnh đạo luôn tính toán tối ưu chi phí từ những thứ nhỏ nhất, nhưng bắt buộc không làm giảm thu nhập lương nhân viên.
Để giảm chi phí vận hành, WinCommerce cũng quản trị chặt chẽ hơn chương trình khuyến mãi và nhà cung cấp để biên lợi nhuận có thể tăng 7%. Nhờ những cách tối ưu trên, mô hình siêu thị mini ghi nhận lãi EBIT với tỷ lệ 4,4% trong năm 2024, thay vì âm 15% ở năm 2019.
Tính đến tháng 3, chuỗi bán lẻ hiện đại này đã mở ròng 144 cửa hàng mới. Hơn 90% tập trung tại miền Bắc và miền Trung, khu vực họ chiếm thị phần lớn và có lợi nhuận cao. Họ tự tin đến hết năm nay, việc có thêm 800-1.000 điểm bán mới sẽ khả thi.
Trong phần trao đổi, một cổ đông cũng đặt câu hỏi về kế hoạch cạnh tranh với đối thủ Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động (MWG) khi chuỗi này đang mở rộng ở miền Trung. Bà Phương cho biết thị trường luôn tồn tại nhiều đối trọng. WinCommerce vẫn nghiên cứu các đơn vị khác để đúc kết thêm công thức thành công.
Tuy nhiên trọng tâm của họ là phát huy giá trị cốt lõi của mình, tập trung vào việc làm thế nào để khách hàng yêu quý và tăng tỷ lệ lựa chọn họ hơn. Với riêng chuỗi này, ngay trong quý I, miền Trung là khu vực mở mới tăng trưởng tốt nhất cả nước. Nguyên nhân là họ áp dụng chính sách ưu đãi phù hợp với người tiêu dùng và có lợi thế tiên phong trong việc chọn vị trí chiến lược.
“Bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm 12% toàn thị phần, do đó càng thêm bạn càng thêm vui trong quá trình chuyển đổi người tiêu dùng sang bán lẻ hiện đại”, CEO WinCommerce nói.
Với hai mảng kinh doanh cốt lõi tiêu dùng và bán lẻ, Tập đoàn Masan dự kiến có doanh thu thuần hợp nhất 80.000-85.500 tỷ đồng trong năm nay. So với cùng kỳ, kế hoạch này nếu tiêu cực nhất sẽ giảm gần 4%, ngược lại có thể tăng gần 3%. Nhưng lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) dự kiến tăng trưởng 14-52%, đạt 4.875-6.500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đăng Quang kỳ vọng Masan Consumer đạt mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số trong khi vẫn duy trì lợi nhuận cao. WinCommerce tập trung vào tăng trưởng có lợi nhuận bằng cách đẩy nhanh mở mới cửa hàng trong khi vẫn duy trì tăng trưởng cửa hàng hiện hữu.
Tất Đạt