
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Ảnh: GIA HÂN
Chiều 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Bổ sung quy định tăng trách nhiệm quản lý nhà nước với doanh nghiệp
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự luật đề xuất sửa đổi nhiều quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về doanh nghiệp.
Luật chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp, thông qua việc sử dụng định danh cá nhân và định danh tổ chức để thay thế toàn bộ giấy tờ truyền thống.
Về quản trị doanh nghiệp, dự luật sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Đặc biệt là việc hậu kiểm nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Tài chính Phan Văn Mãi cho biết đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tác động làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Thường trực ủy ban thống nhất bổ sung quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” tại Luật Doanh nghiệp để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, tránh nguy cơ bị đưa vào danh sách đen về phòng, chống rửa tiền.
Trong số các nội dung cụ thể, liên quan hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất và tác động của quy định điều kiện khống chế “có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành” để báo cáo Quốc hội.
Hạn chế thấp nhất phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung pháp luật
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cơ bản tán thành các nội dung sửa đổi, bổ sung.
Song bà đề nghị rà soát rất kỹ để đảm bảo “tuổi thọ” của luật, tránh tình trạng vừa sửa xong lại phải sửa.
Đề cập đến quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ, bà Nga nhận định điều kiện để phát hành trái phiếu riêng lẻ là doanh nghiệp có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành sẽ gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp lớn, vì các doanh nghiệp này thường có hệ số nợ lớn hơn doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, người mua cần phải tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nhất trí việc trình dự luật tại kỳ họp thứ 9 tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát Luật Doanh nghiệp sửa đổi từ năm 2020 để xem có vướng mắc gì nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ông Mẫn lưu ý đối với doanh nghiệp tư nhân thì khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, coi đây là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ông chỉ rõ việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này với tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Ông đề nghị thiết kế quy định hợp lý, không tạo thêm áp lực hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì những vấn đề thuộc Quốc hội thì trình Quốc hội, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì tách bạch ra.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung pháp luật.
“Chúng ta làm luật rất công phu, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nhưng khi thực hiện vài tháng thấy cần phải sửa đổi, bổ sung. Có những luật chưa thực hiện nhưng đã nói là khó”, ông Mẫn nhận xét.
Giải trình sau đó về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ, Bộ trưởng Thắng nói đây là nội dung được doanh nghiệp rất quan tâm. Ban soạn thảo đã dành rất nhiều thời gian trao đổi với các bên liên quan để đưa ra đề xuất, đảm bảo thận trọng khi sửa.