Tìm thuốc trị bệnh vốn ảo, vốn ‘nổ’

Tìm thuốc trị bệnh vốn ảo, vốn ‘nổ’ – rss

vốn ảo - Ảnh 1.

Trước thực trạng doanh nghiệp kê khai vốn ảo, vốn “nổ” lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng, Bộ Tài chính kiến nghị tăng hậu kiểm của cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương, xử phạt nặng vi phạm để ngăn chặn từ xa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Việc này vẫn đảm bảo tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp khi tham gia thị trường nhưng cũng giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Căn bệnh vốn ảo, vốn “nổ” có từ khi Nhà nước tạo thông thoáng thủ tục cho người lập doanh nghiệp hoặc công ty khi tăng vốn điều lệ.

Theo đó chỉ cần đăng ký, còn việc có góp vốn thật, tài sản thật vào công ty dành cho… hậu kiểm. Nhưng việc hậu kiểm này chưa đảm bảo rằng đó là những đồng vốn thật.

Mở công ty với vốn “nổ” trăm ngàn tỉ

Tháng 1-2020, giới đầu tư kinh doanh phía Bắc “giật mình” khi Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC đăng ký thành lập mới với số vốn lên đến 144.000 tỉ đồng.

Chỉ vài ngày sau, tất cả “té ngửa” khi báo chí ghi nhận trụ sở công ty là nhà dân nằm sâu trong con ngõ nhỏ thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Ba cổ đông góp vốn vào công ty này cũng thừa nhận không đủ khả năng góp đủ số vốn khủng đã đăng ký. 

Phòng đăng ký kinh doanh TP Hà Nội phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp này chỉ tồn tại trên thị trường chưa đầy một tháng.

Tháng 1-2022, một cá nhân khác đã đăng ký hai doanh nghiệp vốn ảo, vốn “nổ” tại TP.HCM với quy mô vốn điều lệ lên tới 525.000 tỉ đồng. 

Đó là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng và Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động toàn cầu (GAB Group) có vốn 25.000 tỉ đồng.

Sự thật thì chủ hai doanh nghiệp “trăm ngàn tỉ” này dù sống trong căn nhà cấp 4 nhưng vẫn “nổ” với báo chí rằng “tiền này với tụi tôi chả là gì”. Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp vốn ảo bị phát hiện.

Nói về tình trạng này, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã khuyến nghị cơ quan đăng ký kinh doanh nên tăng cường hậu kiểm với hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đăng ký thành lập doanh nghiệp vốn “khủng”, cao bất thường, tránh việc lợi dụng vốn ảo để trục lợi.

vốn ảo - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Lập doanh nghiệp là quyền mưu sinh của người kinh doanh, không làm ăn được thì giải thể, cơ quan nhà nước sẽ không chạy theo để quản được. Tuy vậy người kinh doanh phải có trách nhiệm, nghĩa vụ kê khai vốn điều lệ đúng theo quy định pháp luật, còn việc thẩm định vốn đăng ký ban đầu của từng doanh nghiệp là không khả thi.
Ý kiến của một số chuyên gia

Vốn “nổ” làm méo mó môi trường kinh doanh

Bà Lê Hải Liễu, chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành, cho hay cũng có giai đoạn bà từng ngưỡng mộ những doanh nghiệp công bố có vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau này khi hiểu rõ hơn bản chất sự việc, bà thấy mọi thứ không rõ ràng, trắng đen lẫn lộn.

“Việc nhiều doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ cao hơn thực tế có thể xuất phát từ nhiều lý do như muốn tạo hình ảnh, gây ấn tượng với đối tác hoặc để dễ huy động vốn. Tuy nhiên cách làm này đang tạo ra sự méo mó môi trường kinh doanh” – bà Liễu nói.

Bà Liễu nói thêm môi trường kinh doanh hiện nay vẫn chưa được quản lý đủ chặt và cũng chưa có công cụ nào đánh giá được tác động thực sự của tình trạng kê khai vốn ảo đối với thị trường chung.

Còn theo ông Nguyễn Phước Hưng – phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, không cần thiết bắt buộc doanh nghiệp phải chứng minh nguồn vốn khi đăng ký thành lập trừ một số ngành nghề.

“Có khai vốn điều lệ 100 tỉ mà không có uy tín, không có thực lực, không hoạt động gì trong ngành thì cũng chẳng ai tìm đến hợp tác” – ông Hưng nói.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh – nguyên trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng đăng ký thành lập doanh nghiệp với vốn điều lệ bao nhiêu là quyền của người kinh doanh. Nhưng kiểm tra ảo hay thật không khéo lại gây phiền toái.

Ông Huỳnh phân tích giả sử luật bổ sung quy định phải thẩm định vốn đăng ký khi lập doanh nghiệp, khi đó người ta sẽ đối phó bằng cách vay vốn ngân hàng, mượn bạn bè, người thân nhằm qua mặt cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp chứng nhận kinh doanh.

Mỗi ngày cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nên sẽ không có cơ quan nào kiểm tra hết được.

Tuy nhiên khi quy định thủ tục thông thoáng thì chủ doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm trong kê khai trung thực việc tăng, giảm vốn điều lệ để không ảnh hưởng đến người khác.

vốn ảo - Ảnh 3.

Nhận diện nguy cơ doanh nghiệp tăng vốn ảo sẽ giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tăng hậu kiểm, chế tài nặng khi khai vốn ảo

Để ngăn chặn vốn ảo, vốn “nổ” khi lập doanh nghiệp, ông Huỳnh đề nghị phạt thật nặng người vi phạm.

Quyền tự đăng ký vốn phải đi kèm với trách nhiệm khi làm ảnh hưởng tới người khác, lừa dối cơ quan quản lý nhà nước. Giống như nghị định 168 về giao thông, quyền được bảo vệ là đi đúng đường, nếu đi trái đường gây nguy hiểm cho người khác phải phạt thật nặng để răn đe.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Minh Thảo – Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách và chiến lược trung ương) – nhấn mạnh giải pháp là tăng hậu kiểm để kiểm soát bệnh tăng vốn ảo.

Luật hiện hành quy định trong 90 ngày cá nhân đăng ký kinh doanh phải góp đủ vốn đã đăng ký, nếu không buộc phải điều chỉnh về mức vốn hiện có. Nếu chủ doanh nghiệp không góp đủ vốn thì cơ quan quản lý phải yêu cầu họ điều chỉnh cho phù hợp.

“Điều đáng tiếc hiện nay là cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương không thực hiện hậu kiểm sau đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tình trạng này có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, thậm chí cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương không có đủ nhân lực để thực hiện hậu kiểm.

Hơn nữa, quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh cũng chưa xây dựng được các tiêu chí để đánh giá rủi ro không tuân thủ, người đi đăng ký doanh nghiệp kê khai vốn ảo.

Vì vậy cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong kê khai vốn doanh nghiệp khi thành lập để lựa chọn các trường hợp có dấu hiệu vi phạm kê khai vốn ảo để kiểm tra, xử lý”, bà Thảo khuyến nghị.

Bộ Tài chính: Kiến nghị tăng hậu kiểm

Theo Bộ Tài chính, quá trình tiếp thu ý kiến sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hai luồng ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng việc đăng ký vốn, tăng vốn điều lệ không chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp công ty tăng vốn “ảo” trước khi trở thành công ty đại chúng hoặc thành lập doanh nghiệp để mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ như trong thời gian vừa qua.

Do vậy đề nghị bổ sung vào Luật Doanh nghiệp các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu, tăng vốn như điều kiện, hồ sơ, tổ chức định giá để tăng tính minh bạch và có sự kiểm tra chặt chẽ ngay từ bước ban đầu.

Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp nêu trên tại thời điểm hết thời gian cam kết góp vốn như bổ sung thành phần hồ sơ đăng ký bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức góp vốn, bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn đăng ký, tăng vốn để hạn chế tình trạng này.

Ý kiến thứ hai cho rằng Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định về việc thành lập doanh nghiệp thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội.

Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm, không nên quy định nhiều thủ tục hành chính yêu cầu phải bổ sung thành phần hồ sơ đăng ký bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước về việc hoàn thành góp vốn sau thời gian góp vốn theo quy định, mà nên tăng cường thực hiện giám sát hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước đối với quá trình góp vốn, tăng vốn của doanh nghiệp.

Với tư cách cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính kiến nghị lựa chọn hoàn thiện dự thảo luật theo nhóm ý kiến thứ hai.

Bộ Tư pháp: Không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Theo Bộ Tư pháp, việc bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn, cổ đông khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có thể dẫn đến việc gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Quy định như vậy có thể dẫn đến rào cản để doanh nghiệp gia nhập thị trường, đi ngược lại với tinh thần cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ.

Việc yêu cầu chứng minh năng lực tài chính khi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp đã từng có giai đoạn được pháp luật yêu cầu khi thành lập doanh nghiệp nhưng không khả thi, gây cản trở đến quyền thành lập doanh nghiệp nên đã bị bãi bỏ.

Thu thập thông tin về chủ doanh nghiệp để chống rửa tiền

vốn ảo - Ảnh 4.

Việc sửa Luật Doanh nghiệp nhằm nâng cao tính minh bạch nhưng vẫn phải thông thoáng thủ tục kinh doanh – Ảnh: N.KHÁNH

Để thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ quy định việc thu thập, cập nhật thông tin về chủ doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều 8 Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định việc thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và trách nhiệm trong kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi.

Chủ doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi và các báo cáo, trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm đăng ký thành lập.

Trường hợp doanh nghiệp không có chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm thành lập thì doanh nghiệp phải thông báo kịp thời thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.

Đồng thời sửa đổi điều 11 theo hướng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong điều lệ công ty. Thông tin về tất cả các chủ sở hữu hưởng lợi phải được lưu trữ trong suốt quá trình hoạt động.

Trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, cá nhân là người đại diện theo pháp luật phải có trách nhiệm lưu trữ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi ít nhất 5 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải thể, phá sản chấm dứt hoạt động doanh nghiệp.

Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong việc thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc là chủ sở hữu hưởng lợi, có cổ phần, phần vốn góp theo quy định.

Cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Quy định rõ việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được lưu giữ trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ công tác về phòng, chống tội phạm.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, theo Bộ Tài chính, sẽ quy định rõ bảy tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, đó là: tạm ngừng kinh doanh; không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại; đang hoạt động.

* Ông Nguyễn Văn Được (tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín):

Góp vốn phải thực hiện thanh toán “không dùng tiền mặt”

Tìm thuốc trị bệnh vốn ảo, vốn "nổ" - Ảnh 2.

Điều 34 Luật Doanh nghiệp hiện không có quy định yêu cầu tổ chức, cá nhân góp vốn bằng hiện kim phải thanh toán không dùng tiền mặt nếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Còn tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải thanh toán qua tài khoản vốn theo Luật Đầu tư.

Sau đó đến nghị định 222 của Chính phủ thì chỉ quy định tổ chức mới phải góp vốn bằng hình thức chuyển khoản.

Do vậy, đây chính là lỗ hổng để các cá nhân lợi dụng khai khống vốn. Mục đích khai vốn ảo là gì?

Có rất nhiều mục đích. Trên thực tế có nhiều công ty được thành lập để đi đấu giá, đấu thầu, nhất là trong các dự án bất động sản và cần có vốn lớn để chứng minh tiềm lực tài chính, đánh bóng tên tuổi, do vậy các doanh nghiệp mới thành lập đã lợi dụng để khai khống vốn.

Do đó cần thiết phải bổ sung các quy định mọi đối tượng góp vốn phải thực hiện thanh toán “không dùng tiền mặt” nhằm kiểm soát dòng tiền. Phương án này sẽ hạn chế được việc “khai khống vốn điều lệ” giúp cho giao dịch nền kinh tế nói chung được minh bạch, rõ ràng và dễ kiểm soát. Đồng thời tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi khai khống vốn điều lệ.

* Luật sư Trần Xoa (giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang):

Vốn phải nộp vào tài khoản ngân hàng

Tìm thuốc trị bệnh vốn ảo, vốn "nổ" - Ảnh 2.

Dù hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị đã bị cấm ở điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thế nhưng trên thực tế vẫn có những lỗ hổng để “con voi chui lọt lỗ kim”.

Thời gian qua có thể thấy nhan nhản công ty kê khai vốn ảo, thậm chí một cá nhân thành lập hàng loạt công ty với số vốn khủng để “lòe” và sử dụng vào mục đích không chính đáng nào đó.

Do vậy cần thiết phải lấp lỗ hổng này thông qua quy định phải góp vốn thực thông qua việc nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, chứ không thể muốn đăng ký vốn bao nhiêu thì đăng ký như vừa qua.

* Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam):

Nên kiểm soát chặt báo cáo tài chính doanh nghiệp

Tìm thuốc trị bệnh vốn ảo, vốn "nổ" - Ảnh 2.

Kinh nghiệm của các nước phát triển là không quá quan tâm tới vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhưng họ bắt buộc doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính; báo cáo tài chính phải được lập đúng chuẩn mực; khai báo thuế, nộp thuế đầy đủ… nếu không sẽ bị chế tài.

Các vụ việc kê khai vốn ảo, vốn “nổ” lên tới cả trăm ngàn tỉ chỉ như trò hề, ít ai tin.

Vấn đề là thị trường bất cân xứng thông tin thì Nhà nước phải đảm bảo cho cân xứng; người nào công bố thông tin, làm báo cáo tài chính gian dối thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Doanh nghiệp muốn gọi vốn phải có bản cáo bạch, phải có kế hoạch tài chính và phương án sử dụng vốn, tất cả điều này đã có quy định.

Doanh nghiệp định giá sai để đi kêu gọi vốn sẽ mắc tội lừa đảo, bị khởi tố hình sự để làm rõ sai phạm.

Đó là chưa nói doanh nghiệp lập công ty phải gửi bảng cân đối kế toán gửi cho cơ quan thuế, lập không đúng chế độ kế toán sẽ bị xử phạt ngay.

Tất nhiên vẫn có những công ty lập nhiều bảng cân đối khác nhau để qua mặt cơ quan thuế, nhưng đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện chỉ có một số ngành nghề có rủi ro đạo đức pháp luật mới yêu cầu doanh nghiệp phải có vốn pháp định (phải duy trì vốn thực, vốn tự có theo quy định pháp luật suốt thời gian kinh doanh) như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm do các ngành này dễ phát sinh rủi ro như doanh nghiệp nhận tiền của dân xong mang đi đầu cơ.

Các ngành khác không có rủi ro đạo đức trong kinh doanh thì không cần yêu cầu chứng minh năng lực tài chính khi họ kê khai vốn. Thực tế có người khởi nghiệp với số vốn 0 đồng vẫn được.

Tag: kinhte-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 4

No votes so far! Be the first to rate this post.