Chủ tịch Quốc hội: Đại biểu cần nâng cao chất lượng thảo luận

Chủ tịch Quốc hội: Đại biểu cần nâng cao chất lượng thảo luận – rss

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nâng cao chất lượng thảo luận của đại biểu tại hội trường, tránh cầm giấy đọc mất thời gian và không trọng tâm.

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 23/4 cho ý kiến về việc sửa đổi Nội quy kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi nhằm “quy định chặt chẽ thời gian phát biểu, tránh lan man và mỗi ý kiến phải trọng tâm vào vấn đề”.

Ông chỉ ra thực tế trong nhiều phiên thảo luận quan trọng về lập pháp, kinh tế xã hội, được dành trọn một buổi nhưng chỉ có vài đại biểu phát biểu rồi chuyển sang phần giải trình của cơ quan soạn thảo. Điều này dẫn đến lãng phí thời gian và giảm hiệu quả của các phiên thảo luận. Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu điều hành linh hoạt, chuyển sang nội dung tiếp theo khi thấy dấu hiệu lãng phí thời gian và trùng lặp ý kiến.

Đặc biệt, ông yêu cầu chấm dứt tình trạng đại biểu “cầm giấy đọc” bài viết soạn sẵn tại hội trường. Văn phòng Quốc hội được giao nghiên cứu, tính toán phương án để đại biểu gửi bài phát biểu trước cho Ban thư ký tổng hợp, nhằm đảm bảo tính cô đọng, súc tích và tránh lặp lại những ý kiến đã được nêu.





Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu tăng cường tương tác với cử tri, không chỉ giới hạn trong các kỳ họp. Đồng thời, Nội quy kỳ họp cần được sửa đổi để đảm bảo tính kỷ luật và kỷ cương, bao gồm việc quy định rõ các hành vi không được phép trong hội trường như làm việc riêng, sử dụng điện thoại gây ồn ào, hay việc xin phép vắng mặt từ hai ngày trở lên, đặc biệt đối với đại biểu chuyên trách.

Có thể linh động thời gian khai mạc kỳ họp thường kỳ

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho hay ban soạn thảo đề xuất điều chỉnh Nội quy kỳ họp, cho phép ngày khai mạc kỳ họp thường lệ được thay đổi so với quy định hiện hành trong trường hợp thực sự cần thiết, và quyết định này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, ban soạn thảo cũng đề nghị bỏ quy định giới hạn thời gian kéo dài phiên họp (hiện tại là 30 phút cho buổi sáng và 60 phút cho buổi chiều), giúp linh hoạt hơn trong điều hành.

Về quy trình bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh nhà nước, dù có ý kiến đề xuất rút gọn để tránh hình thức, ban soạn thảo nhận định đây là thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, đòi hỏi sự thận trọng và kỹ lưỡng. Do đó, các nội dung liên quan đến quy trình nhân sự sẽ được giữ nguyên như hiện hành.

Sơn Hà

Tag: thoisu-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.