Có buộc phải dùng tiền vay đúng mục đích cam kết?

Có buộc phải dùng tiền vay đúng mục đích cam kết? – rss

Cô của anh Cảnh vay tiền nhiều người rồi cho người khác vay với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch, luôn trả lãi đúng hạn song bị dọa “báo công an” cho rằng đã vi phạm cam kết lúc vay.

Cô nói đã thực hiện đúng nghĩa vụ của người vay tiền, còn vay dùng mục đích gì là quyền của mình. Song người dọa đã bắt bẻ rằng “nói vay để cưới con, xây nhà” nhưng lại gom vốn để cho vay lại là phạm luật, sẽ tố cáo.

Anh Cảnh muốn biết pháp luật có cấm việc vay tiền người này để cho người khác vay lại với lãi suất cao, hưởng chênh lệch? Quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay được pháp luật quy định thế nào?

Trước câu hỏi của anh Cảnh, phần lớn độc giả cho rằng nếu không cho vay quá lãi suất quy định thì không bị ràng buộc lý do vay tiền vào mục đích gì.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quốc Bảo (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) phân tích việc vay tiền người này để cho người khác vay lại với lãi suất cao nhằm hưởng chênh lệch, về nguyên tắc không bị pháp luật cấm.

Tuy nhiên, người có hành vi này vẫn có thể bị xử lý, tùy thuộc vào mức độ và bản chất của hành vi đó.

– Pháp luật có thể coi đây là hoạt động cho vay thông thường giữa cá nhân với cá nhân nếu việc vay tiền từ người khác (có thể có hoặc không có lãi suất), sau đó cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn với mục đích chỉ là kiếm lời nhỏ, không mang tính chuyên nghiệp, thường xuyên, không quảng cáo công khai…

Việc cho vay đó cần bảo đảm lãi suất không vượt quá giới hạn theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể: Điều 468 quy định lãi suất tối đa giữa các cá nhân “không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

– Trường hợp bị coi là “cho vay nặng lãi” hoặc hoạt động tín dụng trái phép, nếu lãi suất cho vay vượt mức 20%/năm hoặc hoạt động cho vay mang tính chuyên nghiệp (quảng cáo rầm rộ, cho nhiều người vay, kiếm sống từ việc cho vay…), hoặc không có giấy phép mà vẫn tổ chức hoạt động tài chính cho vay như ngân hàng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về hành chính: Theo quy định tại điểm đ, khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, người có hành vi “không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự” sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

– Về hình sự: Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người có hành vi cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trở lên… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay hiện nay được quy định tại các Điều 464, 465 và 466 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 464 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu với tài sản vay như sau: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”.

Điều 465 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ của bên cho vay như sau:

“1. Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.

2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.

3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác”.

Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Tag: phapluat-vnexpress

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 3

No votes so far! Be the first to rate this post.