
Đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được đề xuất với tốc độ 120km/h, chở từ 30.000 – 40.000 người/hướng/giờ – Ảnh minh họa: AI
UBND TP.HCM cho biết theo quy hoạch có 4 tuyến đường sắt phục vụ kết nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành, gồm 3 tuyến metro số 2, số 4 và số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. Hiện ba tuyến metro đang được TP nghiên cứu, ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết 188 vào tháng 2-2025.
Còn theo các quy hoạch đang được quản lý hiện nay, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được xác định là đường sắt quốc gia và đi qua địa phận hai địa phương (TP.HCM và tỉnh Đồng Nai).
Căn cứ quy định của Luật Đường sắt năm 2017, tuyến đường sắt này thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Xây dựng; địa phương có trách nhiệm tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý.
Cũng liên quan đến tuyến đường sắt này, tại công văn ngày 4-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo UBND TP, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo HĐND về giao UBND TP là cơ quan chủ quản thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công như đề xuất của Bộ Xây dựng.
Theo UBND TP.HCM, để triển khai nhanh, hiệu quả, việc triển khai dự án theo hình thức đầu tư công là phù hợp.
Điều này phù hợp với quan điểm, mục tiêu được xác định trong đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM và TP Hà Nội đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương.
TP.HCM cũng đang tập trung nguồn lực đầu tư 355km metro theo danh mục dự án kèm theo nghị quyết 188 của Quốc hội. Do đó trường hợp triển khai đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành (sơ bộ tổng mức đầu tư gần 3,4 tỉ USD) theo hình thức đầu tư công, TP đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án bằng ngân sách trung ương.
Do vậy, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính… báo cáo Chính phủ xem xét chấp thuận bổ sung đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành vào danh mục dự án kèm theo nghị quyết 188 của Quốc hội.
TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt tại nghị quyết 188, đề xuất điều chỉnh, bổ sung để thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và các dự án đường sắt đô thị.
UBND TP cũng đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo về các nội dung gồm hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư dự án (theo hướng đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương).
Đồng thời, giao TP.HCM, tỉnh Đồng Nai thực hiện các thủ tục theo quy định, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định giao UBND TP là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.
Bộ Xây dựng sớm bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu hiện có của tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành để UBND TP triển khai các bước tiếp theo ngay sau khi Thủ tướng quyết định giao là cơ quan chủ quản thực hiện dự án…