Hà NộiThấy nhà máy điện xin địa điểm một nơi, xây lại một nẻo, cán bộ cấp phép của Bộ Công Thương cho rằng “chỉ là lỗi chính tả” nên phê duyệt, khiến EVN mua điện đắt hơn 28%.
TAND Hà Nội hôm nay bắt đầu xét xử 12 bị cáo trong vụ án thiệt hại 1.397 tỷ đồng liên quan sai phạm của cựu thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng và các cựu cán bộ thuộc Bộ Công Thương, EVN và Cục Thuế tỉnh Bình Phước.
Trong vụ án, ông Vượng và ông Phương Hoàng Kim (cựu cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo) bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Hai ông liên quan nhóm hành vi khi xây dựng Dự thảo Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã tạo điều kiện “xin cơ chế” cho 2 nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận bán điện cho EVN với giá cao, gây thiệt hại hơn 1.043 tỷ đồng.

Bị cáo Hoàng Quốc Vượng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu thứ trưởng Công Thương. Ảnh: Hoàng Giang
Ở nhóm hành vi thứ hai liên quan 6 cựu cán bộ EVN và Bộ Công Thương, gây thiệt hại 209 tỷ đồng, VKS xác định xảy ra tại dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Theo đó, dự án được phê duyệt gồm 5 nhà máy 1, 2, 3, 4, 5 với địa điểm được duyệt là 160 ha đất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Tân Tiến, tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh.
Cuối năm 2020, Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 báo cáo “không thực hiện được thỏa thuận đền bù tài sản trên đất” với Công ty Tân Tiến. Lộc Ninh 3 do đó đề nghị được chấp thuận vị trí mới, tại xã Lộc Tấn, diện tích 150 ha đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh.
Nhà máy điện ‘xin một nơi, xây một nẻo’
Chiều nay, trong buổi thẩm vấn đầu tiên tại TAND Hà Nội, HĐXX dành nhiều thời gian làm rõ nhóm hành vi thứ hai.
Theo cáo buộc, ngày 31/12/2020, tỉnh mới ra quyết định điều chỉnh địa điểm dự án nhưng nhà máy thực tế đã xây xong trước đó 16 ngày. 20 ngày trước, Lộc Ninh 3 đã gửi hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến đề nghị Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương cấp giấp phép hoạt động điện lực.
Bị cáo Trịnh Văn Đoàn, khi đó là Chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, được giao nhiệm vụ thẩm định. Hồ sơ gồm 6 quyết định ghi rõ địa điểm dự án được duyệt tại xã Lộc Thạnh, trong khi thực tế xây dựng lại thể hiện địa điểm nhà máy tại xã Lộc Tấn.
Theo quy định, phòng cấp phép (đơn vị của bị cáo Đoàn) phải tổ chức đi kiểm tra thực tế, nếu thấy có sai lệch, trở lại quá trình xem xét, rà soát hồ sơ và yêu cầu bổ sung, làm rõ.

Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Giang
Nhưng theo cáo buộc, dù thấy mâu thuẫn về thông tin địa điểm dự án, cán bộ có thẩm quyền vẫn ký đề xuất cấp Giấy phép hoạt động cho Lộc Ninh 3. Cùng ngày, ông Trần Quốc Hùng, khi đó là Phó phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng duyệt rồi gửi cùng hồ sơ đến Phòng Pháp chế, Cục Điều tiết điện lực.
Về nguyên tắc, hồ sơ phải có Tờ trình kế hoạch kiểm tra thực tế doanh nghiệp, phải tiến hành kiểm tra thực tế doanh nghiệp, nhưng hồ sơ do Đoàn trình không có các tài liệu trên.
Ngày 18/12/2020, Lộc Ninh 3 được Cục trưởng Điều tiết điện lực duyệt, ký Giấy phép hoạt động. Lộc Ninh 3 dùng Giấy phép để đề nghị và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) là 26/12/2020.
Các nhà máy điện mặt trời có COD trước ngày 31/12/2020, đủ điều kiện, sẽ được EVN mua điện với giá ưu đãi. Lộc Ninh 3 đã kịp được công nhận COD chỉ 5 ngày trước khi “giá ưu đãi” này hết hạn.
Theo quy định, mỗi số điện (kw/h) của Lộc Ninh 3 chỉ được phép bán cho EVN với giá không quá 1.184,90 đồng. Do sai phạm của các bị can, Lộc Ninh 3 đã được EVN mua với giá 1.644 đồng, cao hơn 459,1 đồng, tương đương 27,92%.
VKS xác định, tháng 12/2020-11/2022, Tổng công ty Mua bán điện EVN đã trả gần 750 tỷ đồng để mua điện của Lộc Ninh 3. Thiệt hại được tính là 27,92% của số tiền này, tức hơn 209 tỷ đồng.
“Hồ sơ sai chắc chỉ là lỗi chính tả”
Khai chiều nay tại phiên tòa, ông Hùng thừa nhận khi thẩm định hồ sơ do Đoàn trình lên có thấy sự sai khác về địa điểm. Nhưng ông chủ quan, nghĩ “không bao giờ có việc này xảy ra và thực tế cũng chưa bao giờ xảy ra”. Ông nói tin tưởng vào chuyên viên thẩm định kỹ càng, trong giấy phép cũng nêu vị trí nhà máy đúng theo chủ trương và giấy phép của tỉnh.
“Trong suy nghĩ chủ quan chỉ nghĩ đây là lỗi chính tả của hồ sơ thôi, chưa gặp trường hợp nào như vậy. Vì về lý thuyết không có dự án nào xây được khi chưa được tỉnh cấp phép”, ông Hùng khai.

Trần Quốc Hùng, cựu Phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương. Ảnh: Hoàng Giang
Chủ tọa truy vấn: “Ngoài ra có lý do nào khác không?”. Khi ông Hùng hai lần khẳng định “không”, do đó tòa công bố lại lời khai tại cơ quan điều tra.
Theo đó, ông Hùng khai: “Tôi nhận thức mình phải làm rõ mâu thuẫn hồ sơ, có thể thông qua kiểm tra thực tế. Lãnh đạo Cục có thúc ép, giục tôi thẩm định hồ sơ”.
Nói “có nhiều nguyên nhân” khiến suy luận như vậy, ông Hùng khai ông Nguyễn Ngô Phong, Trưởng phòng cấp phép, đã nhắn tin trên nhóm Zalo chung của phòng và nhắn tin riêng cho mình, với nội dung: “Hôm nay nếu hồ sơ nào cần trình, anh ký trình luôn nhé”.
Theo ông Hùng, Đoàn khi trình hồ sơ đã nói “anh ký ngay trình lãnh đạo”. Ông Hùng vì thế hiểu lãnh đạo Cục và lãnh đạo phòng quan tâm dự án này nên cần phải làm nhanh.
“Bị cáo muốn giải quyết tốt công việc vì tuần sau nghỉ phép. Thấy bị thúc giục, bị cáo vẫn ký dù biết hồ sơ có sai lệch”, ông Hùng khai và cho hay ký duyệt ngay trong buổi sáng, dù thời gian cấp giấy phép là trong 15 ngày, từ khi nhận hồ sơ đủ điều kiện. Trong giấy phép ký duyệt vẫn ghi địa điểm nhà máy tại xã Lộc Thạnh, dù thực tế được xây ở xã Lộc Tấn.
“Bị cáo làm ở Bộ Công Thương, có nhận thức được là để bán được điện cho EVN thì cần gì đầu tiên không?”, chủ tọa hỏi. Ông Hùng đáp “là giấy phép”.
Trước những lời khai trên của ông Hùng, ông Nguyễn Ngô Phong khẳng định chỉ nhắn tin giao việc, không chỉ đạo.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 9 ngày.
Thanh Lam