MỹCông ty của nữ diễn viên nổi tiếng Gwyneth Paltrow bị công tố 10 quận kiện vì quảng cáo sai về viên đá hình quả trứng có tác dụng “cân bằng nội tiết tố, tăng cực khoái, điều hòa kinh nguyệt”.
Gwyneth Paltrow, 52 tuổi là nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood với các vai diễn phức tạp trong các phim được đánh giá cao và dành nhiều giải thưởng như Seven, Emma, Shakespeare in love, The Talented Mr. Ripley…
Ngoài sự nghiệp diễn viên, Paltrow còn định vị mình là chuyên gia về phong cách sống với sự ra mắt năm 2008 của Goop, do cô là CEO. Đây là công ty truyền thông kỹ thuật số và thương mại điện tử quy mô 200 nhân viên.

Gwyneth Paltrow là CEO của Goop. Ảnh: NYT
Công ty của nữ minh tinh chuyên sản xuất quần áo, sản phẩm chăm sóc da, nước hoa, vitamin và thực phẩm bổ sung cũng như các dòng sản phẩm chăm sóc cơ thể mang thương hiệu riêng. Theo các báo cáo, tính đến năm 2023, Goop được định giá ở mức 250 triệu USD và có 3 triệu lượt truy cập website chính thức mỗi tháng.
Kể từ khi Goop ra mắt, Gwyneth Paltrow liên tục gây chú ý với những quan điểm gây tranh cãi và đôi khi lố bịch của cô về sức khỏe và thể chất như dùng biện pháp ong đốt để chữa bệnh, kháng viêm và xóa sẹo; tẩy giun toàn thân bằng cách uống sữa dê tươi trong 8 ngày liên tục và không ăn uống thêm gì khác; máy rung âm đạo thần kỳ dát vàng trị giá 15.000 USD; đốt áo ngực để loại bỏ những năng lượng tiêu cực sau khi chia tay người yêu; quảng cáo bộ “thụt rửa làm sạch ruột” tại nhà với cái tên hoa mỹ “liệu pháp ozone qua đường trực tràng”…
Tất cả sản phẩm Goop bán hoặc Gwyneth Paltrow quảng bá, luôn được công bố “cháy hàng” khi mới chào bán, ban đầu được khơi ra trên truyền thông như những sản phẩm kỳ quặc, đắt đỏ đến lố bịch. Nhưng nội dung về sức khỏe trên Goop ngày càng lan rộng, và theo thời gian, bắt đầu gây khó chịu và sau đó khiến các bác sĩ tức giận vì những phát ngôn vô căn cứ về mặt khoa học.
Bê bối quảng cáo lố
Ngọn lửa bùng lên với công ty của minh tinh vào năm 2017 khi ra mắt sản phẩm “trứng xông âm đạo” từ đá quý.
Với giá 66 USD, khách hàng thể mua một quả trứng ngọc bích nephrite đen, được cho là mang lại năng lượng tình dục và khoái cảm tăng lên. Hoặc với giá 55 USD cho quả trứng y hệt, nhưng màu hồng, được cho là làm từ đá thạch anh hồng có tác dụng “kích hoạt tim”, dành cho những người muốn có nhiều năng lượng tích cực và tình yêu hơn.
Bằng cách đưa quả trứng này vào âm đạo, phái nữ sẽ “tăng cường trương lực cơ âm đạo, cân bằng nội tiết tố và năng lượng nữ tính nói chung”, theo quảng cáo trên website chính thức của Goop.

Quả trứng giá 66 USD hiện vẫn còn trên trang của Goop
Để truyền thông thêm, nữ minh tinh mời một chuyên gia “bạn của thương hiệu” để nói về sản phẩm dưới tiêu đề “Trứng ngọc bích cho Yoni của bạn”. Chuyên gia này mô tả việc sử dụng trứng là “một thực hành bí mật đáng kinh ngạc” của các phi tần trong cung cấm của Trung Quốc.
“Phương pháp có từ lâu đời, nghiên cứu hiện đại vẫn chưa bắt kịp”, website của Goop trích dẫn quan điểm của chuyên gia trị liệu.
Trứng ngọc bích đã tạo nên danh tiếng và phản ứng dữ dội của giới khoa học. Bác sĩ Jen Gunter, chuyên gia của New York Times sau đó đăng đàn và gửi một thư ngỏ công khai cho Gwyneth Paltrow chỉ trích về sản phẩm “quả trứng yoni” với tiêu đề “Gwyneth Paltrow thân mến, tôi là bác sĩ phụ khoa và trứng ngọc bích âm đạo của bạn là một ý tưởng tệ hại”.
Đối với khuyến nghị của nữ minh tinh về việc phụ nữ nên ngủ với một quả trứng ngọc bích trong âm đạo của họ, bác sĩ này phân tích, ngọc bích có lỗ xốp, có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào bên trong và do đó quả trứng có thể hoạt động như một ổ bệnh. Nó có thể là một yếu tố nguy cơ gây viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc thậm chí là hội chứng sốc độc tố có khả năng gây tử vong.
Về đề xuất dùng quả trứng ngọc bích khi đi bộ, tập thể thao, bác sĩ cũng kịch liệt phản đối, vì sự cọ xát mạnh có thể gây ra sự đau đớn và tổn thương với bộ phận vốn cực kỳ mỏng manh nhạy cảm.
“Tôi cho bạn một lời khuyên miễn phí: Đừng sử dụng quả trứng này”, bác sĩ kết luận.
Sau đó, Truth in Advertising, tổ chức giám sát quảng cáo độc lập đã công bố một báo cáo phát hiện khoảng 50 trường hợp trang web của Goop đưa ra những quảng cáo lố về sản phẩm của chính mình hoặc các sản phẩm của bên thứ ba được bán trên trang web.
Ví dụ, Goop tuyên bố rằng các sản phẩm mà họ bán hoặc quảng bá “có thể điều trị, chữa khỏi, ngăn ngừa, làm giảm các triệu chứng hoặc giảm nguy cơ mắc một số bệnh, từ trầm cảm, lo âu và mất ngủ, đến vô sinh, sa tử cung và viêm khớp… báo cáo nêu.
Với các công bố đáng lo ngại từ Truth in Advertising, Lực lượng đặc nhiệm Thực phẩm, Dược phẩm và Thiết bị y tế California, bao gồm các công tố viên từ 10 quận đã thực hiện một cuộc điều tra với 50 sản phẩm của Goop có trong báo cáo và kết luận có sai phạm.
“Trong thời gian quá dài, Gwyneth Paltrow và Goop đã lợi dụng những người tiêu dùng dễ bị tổn thương bằng cách sử dụng các tuyên bố về sức khỏe lừa dối và gây hiểu lầm để bán hàng hóa của họ và kiếm lợi nhuận”, Bonnie Patten, giám đốc điều hành của Truth in Advertising tuyên bố.

Các sản phẩm của Goop trưng bày tại hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe của Goop ở Los Angeles vào tháng 6/2018. Ảnh: NYT
Ngay sau đó, Văn phòng công tố 10 Quận của California đã đệ đơn kiện bảo vệ người tiêu dùng, trị giá 200.000 USD. Vụ kiện chống lại bị đơn là công ty Goop về quảng cáo sai sự thật. Ngoài quả trứng ngọc bích, trứng thạch anh hồng, các công tố viên còn đưa ra cáo buộc với nước xông âm đạo phòng chống trầm cảm.
Các công tố viên quận cáo buộc “đế chế” chăm sóc sức khỏe của Gwyneth Paltrow đã quảng cáo sai sự thật và bán một loạt các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ, thông tin quảng cáo không có cơ sở khoa học đáng tin cậy, không có kiểm chứng.
“Có những nhóm người gặp phải những vấn đề về sức khỏe và họ có thể dễ bị tổn thương. Rất nhiều người có thể làm những điều mà người nổi tiếng gợi ý và do đó, việc quảng cáo sai sự thật về một sản phẩm có tác dụng chữa bệnh, sẽ gây ra nhiều tác hại với nhiều người”, công tố viên Quận Orange nêu quan điểm.
Nhưng Goop không nhìn nhận vấn đề theo cách đó. Đại diện công ty này tuyên bố rằng Goop chỉ là “diễn đàn cho các bác sĩ trình bày quan điểm và kinh nghiệm” về nhiều sản phẩm. “Nhưng luật pháp lại coi đó là quảng cáo”, đại diện công ty nói.
Để “chữa cháy”, Goop đã thêm phần “tuyên bố miễn trừ trách nhiệm” ở cuối các bài viết quảng cáo sản phẩm, nêu rõ rằng các bài viết quảng cáo “chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không nhằm mục đích thay thế cho lời khuyên y tế chuyên nghiệp”. Phần giới thiệu cho quả trứng yoni với tác dụng “đưa bạn vào cực khoái” cũng được xóa bỏ.
Cuối cùng, tháng 9/2018, công ty của Gwyneth Paltrow đã đồng ý trả khoản tiền dàn xếp dân sự, được người dùng đánh giá “nhẹ như muỗi cắn”, là 145.000 USD (3,8 tỷ đồng).
Công ty cho biết họ tin rằng họ đồng ý trả tiền dàn xếp chỉ vì có “sự bất đồng quan điểm” về những quảng cáo về sản phẩm, không đồng nghĩa việc họ sai .”Chúng tôi giải quyết chỉ vì những khiếu nại về quảng cáo chứ không phải vì các mặt hàng bị lỗi”, đại diện công ty nói.
Văn phòng công tố quận Orange cũng cho biết họ không nhận được báo cáo nào về thương tích hoặc tác động xấu đến sức khỏe liên quan đến ba sản phẩm bị cáo buộc.
Những quả trứng này vẫn được bán trên trang web của Goop. Đến thời điểm vụ dàn xếp diễn ra, công ty cho hay đã bán được 3.000 “quả trứng yoni”.
Ngoài khoản tiền phạt, công ty cũng bị buộc phải hoàn lại tiền cho bất cứ ai đã mua sản phẩm nếu họ có yêu cầu.
Goop cũng bị cấm đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về hiệu quả của sản phẩm mà không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy và có thẩm quyền; không được sản xuất hoặc bán bất kỳ thiết bị y tế nào dán nhãn sai, chưa được chấp thuận hoặc quảng cáo sai sự thật.
Càng tai tiếng càng dễ kiếm tiền
Trong một buổi trò chuyện với sinh viên Trường Kinh doanh Harvard, nói về những tai tiếng bủa vây quanh những sản phẩm lố bịch của Goop khiến mình trở thành ngôi sao bị ghét, nữ minh tinh từng nói “tôi kiếm tiền từ những con mắt đó”.
Đó là năm 2018, trước khi nhiều CEO khác bắt kịp, Gwyneth Paltrow đã hiểu: Sự chú ý sẽ là thành phần quan trọng nhất trong công thức thương mại hiện đại. Trong bối cảnh đó, tai tiếng và sự chú ý của công chúng dành cho cô không phải là một rủi ro mà là một lợi thế.
Chuyên gia phân tích từ New York Times đánh giá, “Câu chuyện kinh doanh của Gwyneth Paltrow không phải xoay quanh Gwyneth Paltrow mà là về phản ứng của bạn đối với Gwyneth Paltrow”, tức càng có tiếng (tai tiếng hoặc nổi tiếng), càng dễ kiếm tiền.
Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cùng năm đã công bố nghiên cứu về cách thức lan truyền thông tin sai lệch trực tuyến, dựa trên một cuộc khảo sát khoảng 126.000 tin đồn được chia sẻ trên Twitter bởi khoảng 3 triệu người dùng trong 11 năm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thông tin sai lệch luôn đánh bại tin thật. Tin giả lan truyền “xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn và rộng hơn đáng kể so với sự thật và được chia sẻ lại cao hơn 70 % so với tin thật”.
Đánh vào tâm lý này, người bán hàng trực tuyến hiện nay thường đua nhau tạo ra các nội dung kỳ quặc, lố bịch, không kiểm chứng, để bản thân nổi tiếng trước, tạo ra mức độ “nhận diện” nhất định, sau đó dùng nó để bán hàng.
Theo Forbes, “Attention economy”, nền kinh tế chú ý, đang mạnh hơn bao giờ hết khi công nghệ phát triển mạnh mẽ. “Giá trị của sự chú ý chưa bao giờ rõ ràng hơn. 853 tỷ USD doanh thu quảng cáo ròng toàn cầu được tạo ra chỉ riêng trong năm 2023. Phương trình rất đơn giản nếu họ có được sự chú ý của bạn, họ sẽ có được ví tiền của bạn”.
“Nếu thu hút sự chú ý là kỹ năng định hình thập kỷ này thì sự sáng suốt sẽ là kỹ năng định nghĩa thập kỷ tiếp theo. Chúng ta có trách nhiệm phải cẩn thận với cách chúng ta đầu tư thời gian, tiền bạc và sự chú ý của mình vào nội dung gì”, chuyên gia đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng.
Hải Thư (Theo NYT, Time, VF, Guardian, CBS, WB)