TP HCMKhu đô thị du lịch biển Cần Giờ diện tích 2.870 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9 tỷ USD được Tập đoàn Vingroup khởi công sáng 19/4.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm ở xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Dự án có diện tích khoảng 2.870 ha, gồm 4 phân khu A, B, C và D-E, tổng mức đầu tư gần 9 tỷ USD (217.050 tỷ đồng) quy mô dân số gần 230.000 người, có khả năng đón 8-9 triệu lượt du khách mỗi năm. Mục tiêu phát triển dự án thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn. Phạm vi lấn biển của dự án có diện tích 1.357 ha, diện tích khu vực san nền là 906 ha với cao độ trên 2,9 m (so với cao độ Hòn Dấu).
Cụ thể, phân khu A rộng hơn 950 ha, một mặt giáp Biển Đông (cửa sông Đồng Tranh), một mặt giáp thị trấn Cần Thạnh. Đây sẽ là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Theo quy hoạch, phân khu A được chia thành 8 khu, gồm 4 đơn vị ở (A1, A3, A4, A6) và 4 khu chức năng (A2, A5, A7, A8).
Phân khu B gần 660 ha, một mặt giáp Biển Đông, còn lại giáp đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4. Phân khu này chia thành 4 đơn vị ở là B1, B2, B3, B4 với tổng dân số dự kiến 75.000 người và một phân khu chức năng B5. Phân khu này sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ – công cộng đô thị, đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Nhà ở xã hội được xác định tại đơn vị ở B1, B2 và B3 của phân khu B với tổng diện tích gần 103 ha, chiếm tỷ lệ hơn 20% diện tích đất ở toàn dự án.

Khu vực xây dựng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, sáng 19/4. Ảnh: Thanh Tùng
Phân khu C khoảng 318 ha với hai mặt giáp biển được phân thành 6 đơn vị ở từ C1 đến C6, tổng dân số tối đa bố trí trong các đơn vị ở là 41.364 người; bao gồm khu vực công trình hỗn hợp (đất hỗn hợp nhóm nhà ở cao tầng 44 tầng). Phân khu này được quy hoạch khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại (biệt thự, liên kế, chung cư).
Phân khu D khoảng 480 ha được phân thành 4 đơn vị ở D1, D3, D4, D5 và 2 khu chức năng gồm khu chức năng dịch vụ du lịch D2 và khu chức năng E1. Đây là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh. Phân khu E khoảng 458 ha là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh sử dụng cấp đô thị.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ phát triển theo định hướng ESG (xanh sinh thái toàn diện) với mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ điện gió ngoài khơi, giao thông xanh, metro kết nối sẽ đi trên cao… Chủ đầu tư kỳ vọng dự án hoàn thành sẽ là “lá phổi thứ hai” của TP HCM bên cạnh rừng ngập mặn.
Theo kế hoạch, dự án triển khai trong 11 năm, phần lấn biển 1.357 ha với các hạng mục san nền, kè hồ, kè biển được thực hiện đến năm 2031. Hơn 1.000 người dân đã được các bên lấy ý kiến bao gồm người dân ở tại chỗ, người đánh bắt ven bờ, giữ rừng. Chủ đầu tư có phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới cho người dân. Các cam kết về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của chủ đầu tư được giám sát độc lập và báo cáo định kỳ.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ thuộc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập đề án đầu tư để bảo tồn và phát triển du lịch Cần Giờ. Để tăng tính kết nối, Tập đoàn Vingroup đề xuất xây metro dài 48,5 km, nối đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7, đến dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Cần Giờ Cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km về phía Đông Nam, có diện tích tự nhiên 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích toàn thành phố. Diện tích rừng ngập mặn, phòng hộ gần 35.000 ha. Vùng đất ngập nước Cần Giờ gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn phục hồi sau chiến tranh và được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.
Theo quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt, huyện Cần Giờ sẽ trở thành đô thị sinh thái, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.
Lê Tuyết