Theo Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, hiệu quả sáp nhập hành chính không chỉ nằm ở việc giảm đơn vị, tiết kiệm chi phí, mà còn là cuộc cách mạng tư duy, hướng tới nâng tầm quản trị quốc gia.
Tại hội nghị Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 17/4, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc sáp nhập các đơn vị hành chính hướng tới sự tinh gọn và hiệu quả hơn. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh chóng và bền vững trong bối cảnh mới.
Đảng ủy Chính phủ đã xây dựng đề án chi tiết và Trung ương cơ bản thống nhất tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, kết thúc hoạt động của cấp huyện từ 1/7. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập dự kiến là 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Cấp xã trên toàn quốc sẽ sáp nhập đảm bảo giảm từ 60 đến 70% số lượng đơn vị hiện có.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng đây là cuộc sắp xếp đơn vị hành chính lớn nhất từ trước đến nay trên phạm vi cả nước, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và người dân. Mục tiêu của việc sáp nhập tỉnh, xã là mở rộng không gian phát triển với tầm nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng một chính quyền địa phương hiện đại, tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt nhất.
Theo ông, bản chất của việc sáp nhập không nằm ở việc thay đổi ranh giới hành chính đơn thuần, mà là tái cấu trúc mô hình chính quyền địa phương, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm của các địa phương. Ông tin tưởng rằng việc tinh gọn bộ máy sẽ đi đôi với việc nâng cao năng lực quản lý, giúp chính quyền địa phương gần dân, sát dân hơn, và chăm lo đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn.
“Hiệu quả của chủ trương này không chỉ đo lường bằng số lượng đơn vị hành chính giảm đi hay khoản ngân sách tiết kiệm được, mà còn là một cuộc cách mạng toàn diện về tư duy, từng bước nâng tầm quản trị quốc gia với một mô hình chính quyền địa phương hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu sáng 17/4. Ảnh: Hoàng Phong
Ông cho biết trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ triển khai chủ trương sắp xếp tỉnh, xã với tinh thần khoa học, hợp lý, đúng pháp luật và theo định hướng của Trung ương, đồng thời hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp. Các vấn đề liên quan đến người lao động bị ảnh hưởng bởi chủ trương này, như nghỉ việc hoặc luân chuyển, sẽ được giải quyết bằng các chế độ đãi ngộ hợp lý.
Bên cạnh đó, mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong tương lai sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi tiếp xúc cử tri hôm qua, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nêu 4 mục tiêu cốt lõi của chủ trương tinh gọn bộ máy, gồm: mở rộng không gian phát triển địa phương, xây dựng bộ máy tinh gọn – hiệu lực – chuyên nghiệp, chính quyền sát dân và mở đường cho phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm địa phương.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương, 11 tỉnh, thành giữ nguyên trạng, 52 địa phương sáp nhập còn 23, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (28 tỉnh, 6 thành phố trực thuộc TW). Chính quyền địa phương sẽ tổ chức hai cấp tỉnh – xã và chấm dứt hoạt động cấp huyện.
Vũ Tuân