Nếu không tính năm 2020 ảnh hưởng bởi Covid-19, tăng trưởng toàn cầu năm nay dự báo yếu nhất kể từ năm 2009, theo Fitch và S&P.
Fitch Ratings vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025, về dưới 2%. Mức này thấp hơn 0,4 điểm phần trăm kỳ vọng trước đó và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009, ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Nguyên nhân điều chỉnh bởi căng thẳng thuế quan cao hơn dự kiến ban đầu. Theo tính toán của Fitch, thuế suất hiệu lực trung bình (ETR) của Mỹ đã tăng lên 23%, mức cao nhất kể từ 1909, vượt xa giả định 18% trước đây của hãng.
Lạc quan hơn một chút nhưng S&P Global cũng vừa hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay từ 2,5% xuống còn 2,2%, và năm sau từ 2,7% xuống 2,4%.
“Trong cả hai năm, mức tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ ở mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, nếu không tính đến giai đoạn đại dịch”, báo cáo nhận định.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng âm 2 lần trong 3 thập niên qua, lần lượt giảm 1,3% và 2,9% vào 2009 và 2020, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và Covid-19. Tính từ 2009, GDP tăng trưởng chậm nhất ở mức 2,7%, vào 2012.
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, S&P từng dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 3% năm nay. Tuy nhiên, tác động từ sự gián đoạn thương mại, phản ứng tiêu cực mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và bất ổn trong thị trường trái phiếu toàn cầu đã khiến triển vọng bị điều chỉnh giảm đáng kể.
Với tình hình hiện tại, Fitch giả định ETR áp lên Trung Quốc sẽ duy trì trên 100% trong một thời gian, rồi giảm dần về mức 60% vào năm sau. Còn với các đối tác thương mại khác, mức ETR dự kiến vẫn giữ ở 15%.
Vì thế, công ty xếp hãng tín nhiệm này đồng thời hạ dự báo tăng trưởng 0,5 điểm phần trăm với hai nền kinh tế lớn nhất. Mỹ vẫn có thể tăng trưởng dương năm nay ở 1,2%, song tốc độ sẽ giảm mạnh về cuối năm, còn 0,4% trong quý IV.
Do khả năng thay thế nhập khẩu và chuyển hướng thương mại hạn chế trong ngắn hạn, cú sốc nguồn cung tại Mỹ dự báo sẽ rõ nét. Fitch tăng dự báo lạm phát nước này lên trên 4%, đồng nghĩa tiền lương thực tế gần như đình trệ.
Còn theo S&P, tăng trưởng của Mỹ có thể đạt 1,3% năm nay và 1,5% năm sau. “Mặc dù một cuộc suy thoái kỹ thuật tại Mỹ không phải là kịch bản cơ sở của chúng tôi, nhưng trước thời điểm tạm hoãn áp thuế đối ứng, khả năng này đã trở nên ngày càng cận kề”, báo cáo đánh giá.
Với Trung Quốc, Fitch dự kiến tốc độ tăng trưởng về dưới ngưỡng 4% trong 2025 và 2026. Nước này tăng trưởng chủ yếu nhờ thương mại ròng – chiếm tới một phần ba GDP. Do đó, khi xuất khẩu gặp khó, động lực sẽ giảm.
Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng giảm tốc, tác động sẽ lan rộng. S&P cho rằng Canada sẽ suy thoái năm nay, còn Fitch dự báo tăng trưởng eurozone tiếp tục mắc kẹt dưới 1%.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều thị trường mới nổi sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn. Trong khi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đợi đến quý IV/2025 mới bắt đầu hạ lãi suất, bất chấp triển vọng tăng trưởng suy yếu, theo Fitch.
Đồng tình, S&P dự báo Fed chỉ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản năm nay. “Một chuỗi giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm 2026 khi áp lực lạm phát dần hạ nhiệt”, báo cáo cho biết.

Một tàu container tại cảng Hamburg, Đức ngày 25/10/2022. Ảnh: Reuters
Hôm 16/4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu có khả năng sụt giảm 0,2% năm nay, do những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngay cả khi chưa áp dụng mức thuế cao nhất, khu vực Bắc Mỹ vẫn đối diện mức giảm xuất khẩu 12,6% và nhập khẩu 9,6% năm nay. WTO cho biết báo cáo được xây dựng dựa trên tình hình thuế quan tính đến đầu tuần này.
Trước đó, tổ chức này từng kỳ vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng trong các năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng đã buộc các nhà kinh tế của WTO phải điều chỉnh giảm mạnh dự báo.
Theo họ, nếu ông Trump triển khai toàn bộ chính sách thuế nghiêm khắc nhất trên diện rộng, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu có thể giảm tới 1,5%. “Đã có thời gian hoãn 90 ngày, nhưng bất ổn kéo dài vẫn có thể trở thành lực cản lớn đối với tăng trưởng toàn cầu”, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói.
Phiên An (theo Reuters, Fitch, AP)