Các nước phát triển cần tiên phong trong hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, giúp nhóm nước đang và kém phát triển chuyển đổi xanh, theo Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 16/4 chủ trì phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư. Đây là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh với quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức giai đoạn 2021-2026.
Thủ tướng đề xuất hợp tác P4G đóng vai trò “mở đường” cho quá trình thử nghiệm các chính sách mới, các phương thức kết nối nguồn lực, nhất là hợp tác công – tư, sự hỗ trợ từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh bền vững, bao trùm.
Thủ tướng đề nghị các nước phát triển phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị, giúp các nước đang và kém phát triển chuyển đổi xanh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh P4G, ngày 16/4. Ảnh: Minh Hoàng
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng quá trình chuyển đổi xanh cần tính đến việc “liệu có bỏ ai ở lại phía sau”.
Bà lấy ví dụ quy mô công nghệ sạch trong ngành năng lượng toàn cầu vượt 2.000 tỷ USD, nhưng chỉ 15% được đầu tư vào các nước đang phát triển. Một ví dụ khác là cobalt, một vật liệu cần thiết trong chế tạo pin. Dù cung ứng tới 70% nguyên liệu cho toàn thế giới, Cộng hòa Dân chủ Congo chỉ nhận được 3% trong chuỗi giá trị.
“Chúng ta cần một hệ sinh thái hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển cao hơn 2-4 lần các nước phát triển”, đại diện UNCTAD nói. Bà cũng đề xuất một khuôn khổ chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
“Thách thức chúng ta phải đối mặt không phải là ‘có thể xanh hóa hay không’ mà là ‘có thể giúp nền kinh tế bình đẳng, công bằng hay không’”, bà nhấn mạnh.
Phát biểu trong thông điệp ghi hình gửi đến phiên thảo luận, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định thông điệp “không quốc gia nào phải chọn giữa chống đói nghèo và cứu Trái Đất”. Ông cũng cho rằng việc huy động nguồn tài chính cần thiết cần thông qua cải tổ các cơ chế đa phương và huy động tài chính tư nhân.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cũng nhận định quyết tâm, tầm nhìn dài hạn và hợp tác công – tư là chìa khóa để thúc đẩy đồng thời tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đại diện từ Hàn Quốc cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính trong năm 2025 cho các dự án P4G.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh chỉ còn 5 năm để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhưng nhiều mục tiêu còn chậm tiến độ, thậm chí bị đảo ngược. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thiên tai diễn biến phức tạp, chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm trở thành con đường thiết yếu.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận các thách thức chuyển đổi xanh hiện mang tính toàn diện, toàn cầu, toàn dân, và cần cách tiếp cận tương tự để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong chuyển đổi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu hướng không thể đảo ngược hay trì hoãn. Trong đó, các mô hình hợp tác, đối tác công tư (PPP), hợp tác ba bên, Nam – Nam, Bắc – Nam cần được thúc đẩy để tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh được xác định là yếu tố then chốt và động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, xanh và bền vững, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào 2045. Quá trình chuyển đổi này cũng góp phần giúp Việt Nam từng bước hiện thực hóa các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Diễn đàn P4G là sáng kiến từ năm 2017, với 9 quốc gia thành viên gồm Đan Mạch, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia và Nam Phi cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Sáng kiến đã cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, với kinh phí từ ba nước thành viên Đan Mạch, Hà Lan và Hàn Quốc.
Trong đó, hội nghị thượng đỉnh P4G là hoạt động quan trọng nhất, được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị P4G lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-17/4/2025 gồm hơn 20 phiên thảo luận cùng triển lãm xanh, kết nối doanh nghiệp.
Thủy Trương