Việt Nam sẽ có Quỹ đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo, trong đó, ưu tiên dự án khởi nghiệp xanh, tuần hoàn, theo Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ Hoàng Minh.
Thông tin trên được Thứ trưởng Hoàng Minh chia sẻ tại Diễn đàn chính sách bên lề Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 sáng 16/4.

Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt
Theo ông, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường là ba trong những thách thức chưa từng có mà thế giới đang phải đối mặt. Mô hình kinh tế chia sẻ sáng tạo, ứng dụng sáng tạo ngày càng trở thành xu hướng khi người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm gắn với môi trường và tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới sáng tạo xanh và chuyển đổi hệ thống kinh tế theo hướng ít phát thải, tuần hoàn trở thành yêu cầu cấp bách.
“Tại Việt Nam, chúng tôi sớm xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cốt lõi”, Thứ trưởng Hoàng Minh nói. Theo ông, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam những năm qua chững lại do biến động về kinh tế, nhưng dự báo tăng trưởng trở lại trong năm 2025.
Theo ông, Chính phủ tới đây sẽ ban hành chương trình, hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Thủ tướng đã chính thức giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo Việt Nam. Dự kiến, Quỹ sẽ có ở cấp quốc gia, địa phương và hoạt động ngay trong 2025, ưu tiên dự án khởi nghiệp xanh, tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng, hình thành sàn giao dịch vốn cho khởi nghiệp, với mục tiêu giúp các startup có kênh huy động vốn chính thống, không chỉ trong nước mà còn từ nước ngoài.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện có sự tham gia của hơn 4.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trong đó, có hai kỳ lân gọi vốn hơn một tỷ USD, 11 doanh nghiệp gọi vốn trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 200 khu vực ươm tạo.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Khởi nghiệp và Doanh nghiệp Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng chỉ ra những rào cản lớn mà startup đang đối mặt. Đó là hạn chế về vốn, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, nhân lực chất lượng cao khan hiếm và nhận thức thị trường còn thấp. Trong đó, “vốn xanh”, tức nguồn đầu tư dài hạn, chấp nhận rủi ro để đổi lấy mục tiêu phát triển bền vững, vẫn là một nút thắt.
Để khơi thông và thúc đẩy startup xanh, đại diện Bộ cho biết đang đề xuất Chính phủ áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch khởi nghiệp. Đồng thời, kỹ sư, chuyên gia công nghệ cố vấn cho startup cũng sẽ được miễn thuế để ghi nhận đóng góp của họ vào quá trình tăng trưởng xanh.
“Đây là hình thức Nhà nước đầu tư gián tiếp cho các dự án khởi nghiệp xanh”, ông Quất nhận định.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Khởi nghiệp và Doanh nghiệp Công nghệ. Ảnh: Trọng Đạt
Thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang có bước tiến về giải pháp công nghệ xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
“Một số startup tiêu biểu có thể kể đến GreenID, Sun Energy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Buyo về vật liệu sinh học, Enfarm về nông nghiệp xanh, hay công ty xe điện Dat Bike ở mảng giao thông xanh”, Cục trưởng Khởi nghiệp và Doanh nghiệp Công nghệ nói.
Theo ông, Việt Nam có nhiều cơ hội vận dụng đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Lĩnh vực tiềm năng là công nghệ thông tin xanh, sản phẩm sinh thái, giao thông xanh, logistics xanh, năng lượng tái tạo.
“Chính phủ sẽ cùng bỏ tiền, chia sẻ rủi ro và đồng hành cùng các quỹ tư nhân để hỗ trợ các bạn trẻ”, ông Quất cho biết.
Xây dựng hệ thống chính sách toàn diện và đồng bộ là cách để khơi dậy tiềm năng phát triển xanh, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Cụ thể, theo ông Thọ, Chính phủ cần hoàn thiện quy định về đấu thầu, mua sắm công xanh, xem đây như công cụ chiến lược để thúc đẩy khởi nghiệp bền vững. Ông đề xuất ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong đấu thầu thông qua điểm cộng kỹ thuật và tiêu chí hồ sơ môi trường.
Ông Thọ nhấn mạnh vai trò của mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn và công ty khởi nghiệp xanh. Việc thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam, với sự tham gia của cả khu vực công và tư, sẽ giải bài toán vốn cho khởi nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đề xuất chính sách về nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển thị trường tiêu dùng xanh và thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp bền vững trong nhà trường để tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn.
“Việt Nam cần rà soát, sửa đổi khung pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xanh phát triển, song song với xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ở các địa phương. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững quốc gia”, ông nói.
Tăng tốc phát triển xanh bằng công nghệ AI cũng là chủ đề được giới chuyên gia bàn thảo. Theo ông Malle Fofana, Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu khu vực châu Á, phần lớn công nghệ cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 hiện vẫn chưa tồn tại hoặc đang ở giai đoạn rất sơ khai.
Các khoản đầu tư hiện chủ yếu hướng vào vấn đề dễ giải quyết, trong khi những thách thức lớn hơn lại chưa được chú trọng đúng mức. Trong bối cảnh đó, thế giới cần tìm cách biến cơ hội và tiềm năng thành kết quả thực tiễn, nhất là trong các ngành khó giảm phát thải như nhiệt điện và công nghiệp nặng.

Ông Malle Fofana, Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu khu vực châu Á. Ảnh: Trọng Đạt
Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu khu vực châu Á cho rằng, thách thức chính là cơ hội để có những hành động đột phá. “Điểm sáng hiện nay là công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể giúp rút ngắn lộ trình phát thải ròng bằng 0”, ông nói.
Theo đó, AI có thể được tận dụng vào việc hoạch định chính sách, phát triển các giải pháp công nghệ, đầu tư và đổi mới sáng tạo, nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan đến khí hậu.
Ông cho rằng, để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0, thế giới cần huy động hàng nghìn tỷ USD vốn đầu tư, và cần một cơ cấu cấp vốn công bằng, không tập trung vào một quốc gia mà mang tính khu vực. Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu khu vực châu Á cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam thông qua sáng kiến về chính sách, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái startup.
Trọng Đạt
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ