
Trung Quốc10 tháng sau khi chuyển vào căn biệt thự mua 7,59 triệu tệ (gần 27 tỷ đồng), Vương Hy biết con trai chủ nhà đã chết tại đây nên khởi kiện đòi lại tiền.
Hồ sơ vụ kiện thể hiện, ngôi nhà nằm ở phía tây Hàng Châu, khu vực gần trường học tốt, giá niêm yết năm 2021 là 7,65 triệu nhân dân tệ.
Vương Hy rất thích môi trường sống ở Hàng Châu và ưng ý căn biệt thự nên bán nhà cũ để mua. Tháng 2/2021, Vương Hy đã hợp đồng mua căn biệt thự này với giá 7,59 triệu nhân dân tệ (gần 27 tỷ đồng).
Ông Trương Viễn – chủ nhà, muốn ở lại thêm một năm để con cái họ học hết cấp. Vương Hy đồng ý và tháng 3/2022, gia đình cô mới nhận nhà. Hai bên ghi thỏa thuận này vào điều khoản bổ sung của hợp đồng.
Vương Hy nhận nhà, cải tạo cảnh quan trong 8 tháng và đến tháng 12/2022 chính thức đến ở.
Một ngày tháng 10/2023, mẹ Vương Hy trò chuyện với một người hàng xóm thì biết căn biệt thự mà cô mua với giá cao thực chất là “ngôi nhà có ma”.
Cụ thể, tháng 4/2021, tức chỉ 2 tháng sau khi cô trả tiền mua nhà nhưng chưa chuyển về ở, con trai ông Viễn đã tự tử tại biệt thự này. Cảnh sát đến làm việc, vì vậy những người hàng xóm đều biết sự việc.
“Hàng xóm nghĩ tôi biết chuyện này và vẫn mua nhà. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao những đứa trẻ khác trong phố nhiều lần đòi đến nhà chúng tôi chơi, nhưng bố mẹ chúng đều cáo bận, đưa con về ngay”, Hy nói.
Ngay khi biết sự việc, cô đã liên lạc với người môi giới, anh ta cũng rất sửng sốt và nói rằng không biết chuyện này. “Sau khi liên lạc với Trương Viễn, cả hai chúng tôi đã có một cuộc cãi vã rất khó chịu”, Hy cho biết.
Do không đạt được tiếng nói chung, cô khởi kiện.
Theo hồ sơ, sau khi hợp đồng chuyển nhượng nhà vào tháng 2/2021, hai bên đã ký thêm một thỏa thuận bổ sung. Trong đó, họ thống nhất về phương thức thanh toán tiền nhà, thuế và phí nhà, tình trạng thế chấp nhà, trách nhiệm vi phạm hợp đồng và các trường hợp đặc biệt khác.
Trong các trường hợp đặc biệt khác được quy định: “Bên A (Trương Viễn) cam kết rằng trong thời gian sở hữu nhà, không có sự cố tử vong bất thường nào (bao gồm nhưng không giới hạn ở tự tử, giết người…) xảy ra trong cấu trúc chính của ngôi nhà. Nếu Bên A che giấu hoàn cảnh thực sự của các vấn đề nêu trên trước khi ký hợp đồng này, Bên A và Bên B xác nhận rằng do hành vi gian lận của Bên A, Bên B đã ký hợp đồng này trái với ý định thực sự của mình và Bên B có quyền yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà và các thỏa thuận liên quan theo quy định của pháp luật”.
Trong phiên sơ thẩm tháng 12/2024, Vương Hy đã thắng kiện. Hợp đồng chuyển nhượng biệt thự này được tuyên vô hiệu, ông Viễn phải trả lại tiền cho Vương Hy.
Phán quyết của tòa nêu, bị đơn Trương Viễn đã không giao nhà cho nguyên đơn trong tình trạng “không xảy ra trường hợp tử vong bất thường”, như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Song vừa qua, bị đơn Trương Viễn đã kháng cáo, cho rằng con trai mình mất trong thời gian ông “thuê lại nhà của Vương Hy”, và sau hợp đồng đặt cọc và hợp đồng bổ sung. Đây là sự thật khách quan.
Theo ông, sự kiện xảy ra sau khi quá trình mua nhà đã hoàn tất, do đó ông không vi phạm hợp đồng. “Bản thân ngôi nhà đã mất giá trong vài năm qua. Bây giờ họ yêu cầu tôi hủy hợp đồng mua ngôi nhà và đòi trả lại tiền như lúc mua. Điều này giống như dùng tay xát muối vào lưỡi dao. Nó quá bất công với tôi và tôi không thể chịu đựng được”, ông Viễn nói.
Còn Vương Hy chia sẻ, để mua được căn nhà này, cô đã phải vay rất nhiều khoản thế chấp và đang chịu áp lực tài chính khá lớn. Hiện cô và gia đình tạm thời sống trong “ngôi nhà ma” dù cảm thấy không hề thoải mái.
Phiên phúc thẩm chưa được ấn định.
Các chuyên gia pháp lý đánh giá, “thuê lại nhà” là tình huống mà chủ nhà thỏa thuận để tiếp tục sống trong ngôi nhà trong một khoảng thời gian sau khi bán nhà vì lý do cá nhân, như trường hợp của ông Viễn trong vụ án này. Đây không phải là thuật ngữ pháp lý nhưng phổ biến trong ngành bất động sản.
Trọng tâm tranh chấp trong vụ án này là mặc dù nhà đã được sang nhượng nhưng thực tế chưa được bàn giao, và vụ tử vong bất thường xảy ra trong thời gian trước khi bàn giao.
“Theo quan điểm chịu rủi ro, rủi ro trước khi giao nhà thường do bên bán chịu. Mặc dù tự tử là tai nạn, nhưng bên bán vẫn có một số nghĩa vụ kiểm soát và quản lý đối với ngôi nhà vì ngôi nhà chưa thực sự được giao. Do đó, bên bán phải chịu trách nhiệm tương ứng đối với rủi ro mất giá trị ngôi nhà do sự cố gây ra”, chuyên gia nêu quan điểm.
Ông chỉ ra rằng, trong vụ kiện này hai bên đã thống nhất giao nhà vào tháng 3/2022. Trước thời điểm này, quyền kiểm soát thực tế và rủi ro đối với ngôi nhà vẫn do bên bán chịu ở một mức độ nhất định.
Thời gian ông Viễn “thuê lại” căn nhà cũng rất dài, tới gần một năm. Các chuyên gia luật do đó kiến nghị, để tránh rủi ro, dù trong thời gian “cho thuê lại”, đôi bên cũng cần một hợp đồng rõ ràng, quy định quyền và nghĩa vụ của cả hai bên.
“Điểm tranh chấp chính trong vụ án này là cái chết bất thường xảy ra sau khi chuyển nhượng quyền sở hữu và trước khi giao nhà”. Chuyên gia dẫn chứng trước đó có những vụ kiện tương tự ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô… và tòa án đều phán quyết rằng ngôi nhà không đủ điều kiện giao cho bên mua.
Theo các bản án này, mặc dù ngôi nhà xảy ra cái chết bất thường không bị hư hại về mặt kết cấu, nhưng điều này chắc chắn đã cấu thành một khiếm khuyết lớn, nên hợp đồng vẫn có thể bị vô hiệu, ngôi nhà có thể được trả lại cho chủ cũ.
Hải Thư (Theo News Hangzhou, The Paper)