
Kệ tivi, kệ bảng do hiệu trưởng Tâm mua vật liệu rồi tự hàn – Ảnh: M.T.
Lý do của sự chú ý là số tiền bị thất thoát được bản án ghi nhận quá nhỏ (chỉ hơn 10 triệu đồng) và bằng chứng của việc “chiếm đoạt tài sản” của hiệu trưởng không rõ ràng.
Làm sai luật thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng vấn đề ở đây là số tiền bị cho là thất thoát không tương xứng với mức hình phạt, rõ hơn là rất không đáng để buộc người bị cho là chịu trách nhiệm về sự thất thoát ấy đánh đổi với chừng đó thời gian ngồi tù.
Chưa nói đến hành vi vi phạm kiểu hợp lệ hóa chứng từ chi tiêu này lại tương đối phổ biến trong bối cảnh các quy định hiện hành về thanh toán tạm ứng từ ngân sách công bị than phiền là quá cứng nhắc và khó áp dụng. Hơn nữa, trong trường hợp của ông hiệu trưởng, dấu hiệu chiếm đoạt, tư túi không được làm rõ, nếu không muốn nói là không có việc đó.
Mặt khác, khi đặt vụ này trong bức tranh vĩ mô về chống tội phạm, nhiều người không khỏi chạnh lòng: không ít vụ thất thoát tài sản gây thiệt hại lớn hơn nhiều lần nhưng người gây thất thoát không bị xử tù hoặc xử rất nhẹ. Tự nhiên một thắc mắc nảy sinh: Liệu có sự phân biệt đối xử giữa người yếu thế và người mạnh thế trong việc áp dụng chế tài đối với những trường hợp vi phạm pháp luật có cùng tính chất?
Bản án đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy, yêu cầu điều tra lại. Tòa án cấp phúc thẩm đòi hỏi phải làm rõ bản chất của sự việc, đặc biệt là phải xác định có hay không thiệt hại về tài sản mà hành vi của người bị cho là phạm tội gây ra cho Nhà nước.
Từ câu chuyện đó, cần rút ra bài học cho người được trao chức năng thực thi pháp luật để trấn áp các hành vi sai trái, nhất là các hành vi có dấu hiệu của tội phạm hình sự.
Trước hết, phải điều tra thật chặt chẽ để làm rõ tất cả các chi tiết cần thiết cho phép đánh giá, phán xét hành vi. Các biện pháp tác nghiệp phải được thực hiện đầy đủ, dù hành vi bị cho là sai trái gây tác hại lớn hay nhỏ, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng.
Người tiến hành tố tụng phải thực hiện phận sự được giao với nhận thức nghiêm túc về tác động mang ý nghĩa quyết định của công việc mình đảm nhận đối với số phận của nghi can; từ nhận thức đó, người thực thi công vụ có thái độ mẫn cán, tận tụy, tỉ mỉ, thận trọng cần thiết để bảo đảm không quy kết oan sai.
Thứ hai, trong điều kiện khung chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự có cùng tính chất tương đối rộng, cần thiết kế một chính sách hình sự cho phép áp dụng khung chế tài một cách thấu tình đạt lý. Tư tưởng chủ đạo là hình phạt vừa phải có tính răn đe, vừa phải có tính giáo dục chung.
Cần phải chế tài thật nghiêm khắc đối với những phần tử phạm tội chuyên nghiệp, có tổ chức, tàn ác, gây thiệt hại lớn và trên diện rộng; còn đối với những trường hợp phạm tội mang tính cơ hội, do hoàn cảnh bức bách, gây thiệt hại không lớn thì việc chế tài nên mang ý nghĩa nhắc nhở và mở ra cơ hội để người vi phạm sửa sai, làm lại cuộc đời.
Suy cho cùng, mục tiêu cao nhất của luật là xây dựng hành lang dẫn dắt con người đi đến cuộc sống tốt đẹp, chứ không phải đi vào ngõ cụt tăm tối.