
Toàn cảnh phiên tòa giả định xử bị cáo Nguyễn Phương Huyền – Ảnh: KỲ PHONG
Sáng 20-7, UBND phường Hiệp Bình (TP.HCM) phối hợp với chi đoàn Tòa án nhân dân khu vực 2 mở phiên tòa giả định xét xử vụ án lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Từ 7h sáng, người dân phường Hiệp Bình đã tập trung đông đủ tại Trường tiểu học Đặng Văn Bất (phường Hiệp Bình, TP.HCM) – nơi diễn ra phiên tòa giả định. Người dân tích cực trao đổi về phiên tòa, quay chụp và tham gia tích cực phần hỏi đáp.
Từng nghe nhiều sự vụ vu khống, xuyên tạc trên mạng xã hội, chị Cấn Thị Lộc (55 tuổi, cư dân phường Hiệp Bình) tham gia phiên tòa giả định với sự hồi hộp, hào hứng. Đây là lần đầu chị tham gia hoạt động, muốn ghi hình để gửi cho gia đình, bạn bè cùng xem.


Chị Cấn Thị Lộc tích cực ghi lại hình ảnh phiên tòa – Ảnh: KỲ PHONG
“Mọi người ở đây đều đã ý thức được tình hình thời sự bấy giờ và tầm quan trọng của pháp luật. Những người như tôi đến vừa để tham gia chương trình, vừa có thêm những bài học kinh nghiệm đắt giá”, chị cho hay.
Chị cũng bày tỏ sự lo lắng về sự phức tạp của mạng xã hội, tình trạng nhiều học sinh, sinh viên bị kẻ xấu dụ dỗ ngày càng tăng. Chị nhận định: “Sự bồng bột của con trẻ dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Tôi sẽ khuyên các con cẩn thận và tỉnh táo hơn khi sử dụng mạng xã hội hiện nay”.
Ngoài phiên tòa giả định, tại khuôn viên Trường tiểu học Đặng Văn Bất (phường Hiệp Bình, TP.HCM) còn đặt thêm trạm tư vấn pháp luật cho người dân quan tâm.
Ông Nguyễn Thành Trung (75 tuổi) cho hay đến hoạt động hôm nay để tìm hiểu tư vấn pháp lý cho người dân trong xóm hiểu rõ hơn. “Dù là giả định, với tôi đó là một cách hiệu quả để nhà nước răn đe những người coi thường pháp luật, cảnh tỉnh người dân không làm việc xấu”, ông nói.

Ông Nguyễn Thành Trung chăm chú xem phiên tòa – Ảnh: KỲ PHONG
Hơn nữa, chương trình do Tòa án nhân dân khu vực 2 TP.HCM tổ chức khiến ông càng thêm tin tưởng. Nhìn thấy các đoàn viên, thanh niên tình nguyện, chú bày tỏ sự hài lòng, hạnh phúc vì thế hệ trẻ đã quan tâm hơn đến pháp luật, tích cực công tác tuyên truyền cho người dân địa phương.
“Qua những hoạt động này, tôi tin ai cũng có cơ hội được biết pháp luật, hiểu pháp luật và không bị kẻ xấu lừa gạt vì thiếu hiểu biết”, ông nói.
Phiên tòa giả định xử gì?
Theo nội dung giả định của vụ án, trong khoảng thời gian từ ngày 10-2 đến 15-3-2025, bị cáo Nguyễn Phương Huyền đăng tải tổng cộng 50 bài viết trên mạng xã hội Facebook, 40 video trên mạng xã hội TikTok, xuyên tạc, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Phương Huyền thừa nhận do được các đối tượng không rõ lai lịch có tên mạng xã hội Facebook là “PhuHa”, “Nathan Pham”, “Lisa Hoang”… nhắn tin, rủ rê và được các đối tượng trên trả công bằng tiền.
Các bài viết, video sai sự thật của Nguyễn Phương Huyền đăng tải trên mạng xã hội thu hút lượt tương tác lớn, gây ra tác động tiêu cực cho dư luận xã hội.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các lợi ích về chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng của nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Hơn nữa, bị cáo từng bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi đưa tin sai sự thật ngày 24-10-2024, nhưng không lấy đó làm bài học để tự giáo dục bản thân.
Do đó bị cáo Nguyễn Phương Huyền phạm vào tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” với tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Huyền 2 năm 6 tháng tù.