
Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 20-21 tỉ USD
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 17-7, ông Trần Việt Hà – phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM – cho biết sau sáp nhập, TP.HCM có số lượng các khu công nghiệp rất lớn, lên đến 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích 27.000ha.
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với diện tích lên đến 49.000ha, trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Giai đoạn 2025-2030, các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20-21 tỉ USD với suất đầu tư bình quân đạt từ 8-10 triệu USD/ha, giải ngân 70% trên tổng số vốn đăng ký.
Ông Hà cho hay TP.HCM sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành chủ lực, có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng trưởng lớn, thân thiện môi trường như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn…
Theo ông Hà, nhằm hướng đến mô hình phát triển bền vững, TP.HCM đang triển khai đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động một số khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam làm việc với FTSE Russell về nâng hạng thị trường chứng khoán

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với FTSE Russell – Ảnh: SSC
Ngày 17-7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Tổ chức FTSE Russell, công ty con của London Stock Exchange Group (LSEG) – chuyên sản xuất, duy trì, cấp phép và tiếp thị các chỉ số thị trường chứng khoán.
Tại buổi làm việc, đại diện FTSE Russell cho biết ấn tượng trước những nỗ lực cải cách toàn diện mà Việt Nam đã và đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng vận hành thị trường vốn.
Mời bạn đọc xem cập nhật giá vàng mới nhất TẠI ĐÂY
Phản hồi các đề xuất từ FTSE Russell, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã và đang triển khai một số công việc.
Trong đó có việc hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 155 theo hướng công khai, minh bạch tỉ lệ sở hữu nước ngoài và loại bỏ các quy định không còn phù hợp, bao gồm quy định về việc đại hội đồng cổ đông được quyết định về giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán, qua đó góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường, mở rộng quy mô vốn hóa và nâng cao tính hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát kỹ lưỡng danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện, với mục tiêu thu hẹp hợp lý các ngành nghề hạn chế tiếp cận.
Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát các ngành nghề của mình, cắt giảm các ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký nhưng không phát sinh hoạt động kinh doanh trên thực tế, tập trung các ngành nghề chính và rà soát chi tiết ngành nghề để tăng tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp.
Đến 1-8 phải chốt chương trình nâng cao kỹ năng số, giao tiếp cho cán bộ xã
Tại công điện 110 ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đất đai, cấp sổ đỏ, bảo đảm điều kiện hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công, y tế, giáo dục…
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.
Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thông tin thường xuyên, liên tục, ưu tiên thực hiện kịp thời trong giai đoạn vận hành bộ máy mới theo thứ tự quan trọng, cần thiết, như là thuế, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, tư pháp, y tế, giáo dục…
Xây dựng chương trình và chỉ đạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ, quản lý hành chính hiện đại và kỹ năng giao tiếp hành chính để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cả về chuyên môn và kỹ năng số, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, xã đảo, nơi điều kiện triển khai còn hạn chế (hoàn thành trước 1-8).
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và các bên liên quan rà soát, khẩn trương cung cấp điện để xóa các điểm thiếu điện ở các thôn, bản trên cả nước (hoàn thành 1-10).
Bộ Khoa học và Công nghệ theo dõi, đôn đốc tiến độ, bảo đảm hoàn thành việc “xóa các điểm lõm sóng” để các thôn, bản có điều kiện tiếp cận chuyển đổi số (hoàn thành trước 1-10).
‘Trả lại tên’ cho trường chuyên Bắc Ninh và Bắc Giang sau sáp nhập

Học sinh trong giờ học tại Trường THPT chuyên Bắc Giang, phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh – Ảnh: HÀ QUÂN
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh. Theo đó, Trường THPT chuyên Bắc Ninh và Trường THPT chuyên Bắc Giang vẫn giữ nguyên tên như trước thời điểm sáp nhập.
Trước đó, sau khi hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sáp nhập thành tỉnh Bắc Ninh mới, UBND tỉnh Bắc Ninh từng ban hành quyết định đổi tên 2 trường chuyên trên thành Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 1 và Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 2. Đây là hai trường chuyên đầu tiên đổi tên sau sáp nhập.
Trường THPT chuyên Bắc Ninh tiền thân là Trường THPT năng khiếu Bắc Ninh, ra đời năm 1993. Tháng 8-1995, khối cấp 3 được tách ra thành Trường THPT năng khiếu Hàn Thuyên. Đến tháng 5-2003, trường được mang tên Trường THPT chuyên Bắc Ninh.
Trong khi đó, Trường THPT chuyên Bắc Giang được thành năm 1991 với tên gọi đầu tiên là Trường PTTH năng khiếu tỉnh Hà Bắc.
Năm 1997, tỉnh Hà Bắc được tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh và Trường PTTH năng khiếu Hà Bắc được đổi tên thành Trường PTTH năng khiếu Ngô Sỹ Liên. Năm 2004, Trường PTTH năng khiếu Ngô Sỹ Liên được đổi tên thành Trường THPT chuyên Bắc Giang.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 18-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY.

Dự báo thời tiết hôm nay 18-7 tại các vùng miền – Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mùa bông điên điển – Ảnh: VŨ LINH