Để phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Quảng Trị dự kiến xây dựng 51 khu tái định cư, Hà Tĩnh xây 35 khu và Nghệ An 30 khu.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam qua địa bàn dài hơn 190 km, có hai ga chính, dự kiến một ga tại TP Đồng Hới (cũ) và một ga tại TP Đông Hà (cũ). Ngoài ra, còn có 4 trạm bảo dưỡng tại xã Bố Trạch, Ninh Châu, Tân Mỹ và Ái Tử.
Tuyến đường sắt chạy về phía đông cao tốc Bắc Nam, đi qua 35 xã, phường. Dự án chiếm dụng khoảng 1.865 ha đất khiến hơn 7.200 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 3.100 hộ tái định cư.

Khu vực hồ Vực Tròn, xã Phú Trạch nằm dưới chân núi Hoành Sơn dự kiến tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua. Ảnh: Đắc Thành
Quảng Trị dự kiến xây dựng 51 khu tái định cư với kinh phí khoảng 3.180 tỷ đồng. Sở Xây dựng là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý, công tác đầu tư để khởi công ít nhất một khu tái định cư vào ngày 19/8.
Tại Hà Tĩnh, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 23 xã, phường, ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân. Tỉnh dự kiến xây 35 khu tái định cư, trong đó huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên cũ mỗi nơi 9 khu, TP Hà Tĩnh cũ 3 khu, các xã phường còn lại quy mô nhỏ hơn.
Sở Xây dựng cho biết đến nay mới có khu đất rộng 6 ha tại thôn Liên Vinh, phường Hà Huy Tập, đủ điều kiện về quy hoạch, sử dụng đất và hạ tầng. Khu tái định cư đầu tiên sẽ được khởi công ngày 19/8.
Với 34 khu còn lại, các xã phường phải hoàn thành quy hoạch chi tiết trong tháng 7 và phê duyệt dự án đầu tư trước tháng 10/2025, nhằm đảm bảo kịp bàn giao mặt bằng cho dự án đường sắt vào cuối năm 2026.

Khu tái định cư dự án cao tốc Bắc Nam ở Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai cũ (tỉnh Nghệ An), sẽ được mở rộng để làm khu tái định cư dự án đường sắt tốc độ cao. Ảnh: Hùng Lê
Tại Nghệ An, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 18 xã, phường, ảnh hưởng khoảng 2.150 hộ dân, trong đó gần 2.000 hộ tái định cư. Tỉnh dự kiến xây 30 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 102 ha, kinh phí 1.450 tỷ đồng.
Ba vị trí được ưu tiên gồm phường Hoàng Mai, xã Tân Châu và Hưng Nguyên Nam do có quỹ đất sạch, hạ tầng thuận lợi và ít vướng giải phóng mặt bằng. Ngoài bố trí dân cư, Nghệ An cũng tận dụng cơ hội từ dự án để tái cấu trúc đô thị.
Khu vực ga Vinh ở phường Thành Vinh sẽ được quy hoạch theo mô hình đô thị TOD (phát triển đô thị gắn với đầu mối giao thông công cộng), quy mô 44 ha, kết nối trực tiếp cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1 và các trục đường chính qua địa bàn, kỳ vọng trở thành trung tâm dịch vụ, logistics vùng trung tâm tỉnh.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đi qua 20 tỉnh, thành phố từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Thủ Thiêm (TP HCM). Ngoài đầu tư công, dự án được Quốc hội cho phép triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hoặc đầu tư kinh doanh.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công tác giải phóng mặt bằng đã được tách khỏi dự án đầu tư và giao cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Do đó, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chỉ đạo triển khai. Các cơ quan liên quan khẩn trương bàn giao hướng tuyến để thực hiện các bước tiếp theo.
Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước ngày 20/7. Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn trước ngày 10/8. Thủ tướng yêu cầu các địa phương đồng loạt giải phóng mặt bằng hai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vào ngày 19/8.
Đắc Thành – Đức Hùng