Cổ phiếu bất động sản tăng gấp rưỡi trong nửa đầu năm nhưng nhiều quỹ mở nắm giữ tỷ trọng thấp do phải sàng lọc và đề phòng rủi ro.
Hồi đầu năm, loạt công ty quản lý quỹ đánh giá bất động sản là nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt với nhiều mã có định giá thấp, thích hợp để đầu tư. Tuy nhiên, danh mục của nhiều quỹ mở đến nay chỉ nắm giữ cổ phiếu ngành này với tỷ trọng tương đối thấp.
Thống kê của VnExpress dựa trên báo cáo gần nhất vào cuối tháng 5, có 27 quỹ mở cổ phiếu đang nắm giữ trung bình khoảng 10,13% danh mục trong ngành bất động sản. Con số này chỉ tương đương khoảng một phần ba tỷ lệ của nhóm ngân hàng. Trong đó, 8 quỹ nắm dưới 5% cổ phiếu địa ốc, riêng GFM-VIF và NTPPF không có mã chứng khoán nào của ngành này trong danh mục.
Điểm chung của các quỹ ít sở hữu cổ phiếu địa ốc là hiệu suất trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp, nhiều đại diện ghi nhận mức âm. Trong khi các quỹ tăng vượt VN-Index đang nắm khoảng 17,26% cổ phiếu bất động sản, nhóm có hiệu suất thấp hơn chỉ nắm 13,27%. Riêng các quỹ sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, con số trên chỉ ở mức trên 6%.
Thống kê của TVS Research cũng cho thấy, cổ phiếu bất động sản là một trong những nhóm ngành có diễn biến tích cực nhất thị trường chứng khoán nửa đầu năm, tăng gần 55%. Còn số liệu của Fiintrade, VNREAL – chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu địa ốc trên sàn HoSE – tích lũy hơn 46%.
Chia sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc đầu tư của Manulife Investment Management (Việt Nam), cho rằng từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu bất động sản có mức tăng rất khả quan so với thị trường chung. Nguyên nhân là thị trường bất động sản cư dân có dấu hiệu sôi động trở lại với hàng loạt dự án lớn được triển khai, nhiều dự án vướng mắc pháp lý lâu nay cũng dần được tháo gỡ.
Ngoài ra, theo bà Thảo, yếu tố vĩ mô cũng thúc đẩy thị trường bao gồm chính sách điều hành tiền tệ ổn định, đầu tư công được giải ngân mạnh, cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, luật đất đai và nhà ở mới đã đưa vào thực tiễn, cùng các cải cách hành chính giúp quá trình phê duyệt dự án diễn ra nhanh hơn.
“Một số cổ phiếu bất động sản có mức tăng giá rất nhanh trong thời gian vừa qua là những cổ phiếu có nhiều thông tin về các dự án được tháo gỡ pháp lý hay được cấp phép, hưởng lợi từ các chính sách của Chính Phủ như đầu tư hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân”, bà Thảo nói.

Bất động sản là một trong những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: TVS Research
Tính đến cuối tháng 5, quỹ MAFEQI của Manulife Investment Management (Việt Nam) chỉ nắm 8,82% cổ phiếu địa ốc. Giải thích về điều này, bà Thảo nói họ cũng nhận thấy các tín hiệu thuận lợi, tích cực của ngành và cũng đã tăng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu nhóm này kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, bà nói quỹ không đầu tư dàn trải vào nhiều cổ phiếu trong ngành mà luôn có sự sàng lọc rõ ràng theo các tiêu chí bao gồm tiềm năng tăng trưởng, dòng tiền tốt, quản trị tốt và định giá hấp dẫn nhằm lựa chọn ra những công ty có thể tăng trưởng bền vững và đem lại giá trị trong dài hạn. Bên cạnh các tiêu chí chung đó, các cổ phiếu bất động sản được các quỹ mở như Manulife ưu tiên lựa chọn đầu tư là những doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển dự án, quỹ đất sạch nhiều tiềm năng, có tiềm lực tài chính vững vàng, dòng tiền tốt để có thể nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Còn ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cho rằng cổ phiếu bất động sản tăng mạnh từ đầu năm chủ yếu là VIC, VHM và NVL. Thực tế trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu Vingroup tăng 136%; cổ phiếu Vinhomes tăng 92%; cổ phiếu Novaland cũng tích lũy 48%.
Với các cổ phiếu như VIC và VHM, VCBF vẫn nắm giữ trong danh mục đầu tư quỹ mở, nhưng tỷ lệ không cao như tỷ trọng của nhóm này trong VN-Index (khoảng 12%). Ông Duy Anh nói họ đã nắm giữ những cổ phiếu này tương đối lâu, không phải mới mua khi giá tăng. Chiến lược đầu tư của công ty quản lý quỹ này là đầu tư tập trung vào nền tảng cơ bản doanh nghiệp, đa dạng hóa danh mục, đầu tư dài hạn và ít quan tâm đến các biến động ngắn hạn của thị trường.
“Đà tăng giá đột biến của một số cổ phiếu chỉ phản ánh kỳ vọng ngắn hạn của thị trường, VCBF luôn bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng tương lai của ngành, công ty để đánh giá và xác định mức giá hợp lý cho doanh nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở TP HCM. Ảnh: An Khương
Không chỉ nhóm quỹ đầu tư có hiệu suất dưới VN-Index, một số đại diện đạt kết quả khả quan hơn cũng đang hạ tỷ trọng cổ phiếu địa ốc. Chẳng hạn như DCDS của Dragon Capital – tăng 8,65% trong 6 tháng.
Giám đốc nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực chứng khoán của DCDS Võ Nguyễn Khoa Tuấn cho biết hồi đầu năm, quỹ này đã giữ tỷ trọng nhóm địa ốc khá cao tùy thời điểm, nhưng nhìn chung cao hơn nhiều so với tỷ trọng của ngành này trong VN-Index.
Đến cuối tháng 6, ông cho hay DCDS giữ khoảng 18% cổ phiếu ngành bất động sản dân cư và khu công nghiệp. Tỷ trọng này được giữ thấp hơn nhóm ngân hàng, vốn chiếm gần 38% trong VN-Index, nhằm tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro của Dragon Capital và chia sẻ tỷ trọng với cổ phiếu của các công ty tiềm năng như MWG, HPG…
Tất Đạt