Ghi nhận biệt danh của bị can, bị cáo: cần không?

Ghi nhận biệt danh của bị can, bị cáo: cần không? – rss

bị cáo - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu tại phiên tòa – Ảnh: GIANG LONG

Đề nghị này được đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “vi phạm về quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ…) có liên quan Tập đoàn Phúc Sơn (Vĩnh Phúc).

Quy định gọi bị can, bị cáo theo biệt danh

Luật sư này trình bày: Pháo là tên của mẹ bị cáo Hậu. Hồi nhỏ Hậu được gọi là Hậu “Pháo” để phân biệt với một người khác cũng tên Hậu trong xóm. Nay mẹ của bị cáo đã cao tuổi, không liên quan vụ án nên bị cáo và gia đình không muốn tên của bà bị liên tục nhắc đến.

Chủ tọa phiên tòa đã lưu ý báo chí sử dụng ngôn từ, đăng tải đúng tên gọi cá nhân của bị cáo.

Trước đây (năm 2020) tại phiên tòa xét xử vụ án “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” có liên quan nhiều cựu lãnh đạo của Đà Nẵng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng có đề nghị tương tự về cách gọi tên của bị cáo.

Cụ thể, bị cáo không đồng ý với cách ghi nhận trong cáo trạng khiến báo chí cứ gọi bị cáo là Vũ “Nhôm” (cách gọi do Vũ từng làm thợ nhôm kính, sau đó mở cửa hàng kinh doanh nhôm kính).

“Cha mẹ đặt tên cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ, gọi bị cáo là Vũ “Nhôm” giống như tội đồ”, bị cáo Vũ nói tại tòa.

Chuyện một người có tên gọi khác ngoài tên thật theo khai sinh như ở hai trường hợp nêu trên khá phổ biến. Tên gọi khác có thể là tên thường gọi hay biệt danh, thường được gia đình, bạn bè… đặt dựa vào đặc điểm, tính cách, sở thích hay một sự kiện đặc biệt của cá nhân.

Khác với tên thật, biệt danh mang tính chất riêng tư, thể hiện sự thân mật, vui vẻ, hài hước… Trong một số tình huống, biệt danh lại là sự chế giễu, chọc ngoáy, có thể gây tổn thương…

Lâu nay các văn bản tố tụng hình sự như kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án vẫn luôn ghi nhận các tên gọi khác của bị can, bị cáo. Việc ghi nhận đó đa phần dựa theo lời khai của bị can, bị cáo chứ không có giấy tờ, tài liệu chứng minh.

Từ các kết luận điều tra, bản cáo trạng ghi nhận như thế mà báo chí vì muốn ngắn gọn, dễ nhớ… đã gọi bị can, bị cáo theo biệt danh.

Điều đáng lưu ý là các bộ luật tố tụng hình sự trước giờ đều không có quy định về việc các văn bản tố tụng phải ghi tên gọi khác của bị can, bị cáo.

Hiện tại, theo điểm a khoản 2 điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung), trong bản án sơ thẩm chỉ phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, dân tộc, tiền án, tiền sự của bị cáo.

Còn theo các quy định của Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, các văn bản đó đều phải ghi tên gọi khác của bị can, bị cáo.

Đơn cử, các thông tư 61/2017, 119/2021 của Bộ Công an, quyết định 15/2018 của Viện KSND tối cao đều hướng dẫn mẫu kết luận điều tra, cáo trạng phải ghi tên gọi khác của bị can. Nghị quyết số 04/2004, số 05/2017 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng quy định bản án sơ thẩm phải ghi họ, tên của bị cáo và các bí danh, tên thường gọi khác (nếu có).

Vì sao phải ghi nhận tên gọi khác của bị can, bị cáo?

Nhiều người cho rằng đó là cách để các cơ quan pháp luật xác định đúng người có hành vi phạm tội, bị kết tội, phải thi hành hình phạt.

Nếu vậy các thông tin khác bắt buộc phải có trong các văn bản tố tụng (giới tính; họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng, con và các thông tin đã nêu ở điều luật trên của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành) đã giúp xác định?

Về họ, tên của cá nhân, điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Như vậy ngoài tên khai sinh thì các tên gọi khác không được thừa nhận trong nhiều loại quan hệ pháp luật, trong đó có quan hệ pháp luật tố tụng hình sự.

Để bảo đảm được một trong các quyền nhân thân (là quyền về họ, tên) của bị can, bị cáo và tránh để phát sinh những rắc rối không đáng có, thiết nghĩ các văn bản tố tụng chỉ cần ghi họ, tên khai sinh của bị can, bị cáo là đủ.

Trở lại với đề đạt đã nêu ở trên của bị cáo Nguyễn Văn Hậu, chủ tọa phiên tòa đề nghị báo chí đăng tải đúng tên gọi cá nhân của bị cáo. Đây là sự lưu ý hợp lý, nhất là khi biệt danh do người khác đặt đó có yếu tố nhạy cảm.

Tuy nhiên đối với những người từng có sức ảnh hưởng lớn trên nền tảng mạng xã hội, được đông đảo mọi người biết đến với những cái tên khác với tên thật rất dễ nhận diện do chính họ tự đặt cho mình trước khi vướng vòng lao lý, có lẽ nên để báo chí gọi theo tên Facebook, tên trên kênh YouTube, tên trên TikTok…

Đơn cử là trong vụ án “sản xuất hàng giả là thực phẩm, lừa dối khách hàng” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, nói bị can, bị cáo Phạm Quang Linh thì ít người biết. Nhưng nếu nói Quang Linh Vlogs (vốn là YouTuber nổi tiếng gắn với một kênh YouTube) thì đa số nhận ra ngay.

Tương tự, nói bị can, bị cáo Hằng Du mục (vốn là TikToker có triệu người theo dõi) thay vì nói Nguyễn Thị Thái Hằng thì hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ chính sách, pháp luật của Nhà nước… sẽ cao hơn.

Cách gọi bị cáo, phạm nhân áp dụng cho kiểm sát viên

Đối với bị cáo là cá nhân, kiểm sát viên sử dụng từ “bị cáo” hoặc “bị cáo” cùng với tên hoặc họ, tên của bị cáo. Ví dụ: Bị cáo cho biết…; hoặc bị cáo Nguyễn Văn A cho biết…

Trường hợp bị cáo là pháp nhân thương mại, kiểm sát viên sử dụng từ “bị cáo” hoặc “bị cáo” cùng với tên đầy đủ của pháp nhân đó.

Đối với người bị kết án, kiểm sát viên sử dụng từ “phạm nhân” cùng với họ, tên đầy đủ của người đó.

(Theo quyết định 46 ngày 20-2-2017 của Viện KSND tối cao ban hành quy tắc ứng xử của kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa…)

Tag: phapluat-tuoitre

How useful was this post?

Click on a star to rate it!

Average rating 5 / 5. Vote count: 2

No votes so far! Be the first to rate this post.