
Công ty CP Vicem Thạch cao Xi măng bị tố cho đơn vị khác thuê lại sai mục đích – Ảnh: NHẬT LINH
Một người dân (đề nghị không nêu tên) đã gửi đơn phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ về việc Công ty CP Vicem Thạch cao xi măng (doanh nghiệp nhà nước) vi phạm hợp đồng thuê đất với Nhà nước.
Cho quán cà phê, showroom ô tô thuê lại “đất vàng” làm trụ sở
Theo đơn, Công ty CP Vicem Thạch cao xi măng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) ký hợp đồng cho thuê đất tại số 24 đường Hà Nội, phường Thuận Hóa, TP Huế vào năm 2007 với diện tích 3.103m². Mục đích để làm trụ sở công ty với thời hạn 30 năm (kể từ năm 1997). Đến năm 2021, hợp đồng tiếp tục được điều chỉnh với diện tích cho thuê còn lại là 2.484,6m².
Đây được xem là một trong những khu “đất vàng” ở trung tâm TP Huế với vị trí đắc địa, gần khu vực ngã sáu, hằng ngày tấp nập người qua lại.
Tuy nhiên người phản ảnh cho rằng Công ty CP Vicem Thạch cao xi măng đã không sử dụng đất đúng mục đích như cam kết trong hợp đồng. Hiện nay tại vị trí lô đất có một số đơn vị mở quán cà phê (được cho là trả tiền thuê khoảng 12 triệu đồng/tháng), showroom ô tô (trả tiền thuê khoảng 60 triệu đồng/tháng), vi phạm hợp đồng đã ký.
“Hợp đồng quy định rõ mục đích thuê đất là để làm trụ sở, không được cho thuê lại. Việc sử dụng sai mục đích, cho bên thứ ba thuê mà không được sự đồng ý của UBND tỉnh (nay là UBND TP Huế) là vi phạm pháp luật”, người phản ảnh cho biết.
Theo đơn phản ảnh, điều 170 Luật Đất đai 2013 và điều 480 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hành vi sử dụng đất và tài sản thuê không đúng mục đích, không đăng ký với cơ quan quản lý là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp này, Công ty CP Vicem Thạch cao xi măng bị cho là có nguy cơ gây thiệt hại cho Nhà nước nếu xảy ra tranh chấp với bên thuê lại.
Cũng theo nội dung đơn, việc công ty để bên thuê lại tu sửa, thay đổi kết cấu tài sản trên đất khi chưa có phê duyệt từ cơ quan chức năng có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình. Hành vi tự ý giao kết hợp đồng thuê với bên thứ ba cũng bị đánh giá là thiếu tôn trọng cơ quan nhà nước, làm phát sinh nhiều rủi ro pháp lý.
“Việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh để cho thuê lại đất công là biểu hiện rõ ràng của việc coi thường pháp luật, trục lợi từ tài sản công”, người phản ảnh nói.

Quán cà phê, showroom ô tô đang được thuê tại khu đất của công ty – Ảnh: NHẬT LINH
Công ty thạch cao xi măng: Chỉ cho thuê tài sản trên đất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Trí – trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty CP Vicem Thạch cao xi măng – cho biết theo hợp đồng cho thuê đất mới nhất của công ty với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) vào năm 2021, diện tích khu đất được thuê là 2.484,6m² với giá tiền hơn 490.000 đồng/m2/năm (hơn 1,2 tỉ đồng/năm, khoảng 101 triệu đồng/tháng).
Theo ông Trí, từ năm 2021 việc kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn nên ban lãnh đạo công ty đã thống nhất cho hai đơn vị (một quán cà phê và một showroom ô tô) thuê lại tài sản trên đất để làm trụ sở.
“Các hợp đồng cho thuê tài sản công ty thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Số tiền cho thuê tài sản nêu trên được tính vào doanh thu bán hàng và dịch vụ của công ty và chúng tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính như trả tiền thuê đất, thuế, phí…”, ông Trí khẳng định.
Theo ông Trí, phía công ty chỉ cho thuê tài sản trên đất chứ không cho thuê đất như trong đơn thư người tố cáo và khẳng định việc cho thuê hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật, không gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước.
Sẽ cho kiểm tra sự việc
Ông Nguyễn Đình Đức, giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, cho biết sẽ cho các đơn vị chuyên môn kiểm tra lại việc cho thuê, sử dụng đất của Công ty CP Vicem Thạch cao xi măng tại khu đất 24 Hà Nội sau khi tiếp nhận thông tin từ Tuổi Trẻ.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Kỳ – Đoàn luật sư TP Huế, việc cho doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất để làm trụ sở thì không được phép cho đơn vị khác thuê lại đất theo hợp đồng đã ký. Theo ông Kỳ, điều 475 Bộ luật Dân sự 2015 thể hiện “Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý”.
“Trong trường hợp này nếu phía công ty muốn cho đơn vị khác thuê lại tài sản trên đất thì cần sự đồng ý của chủ tài sản là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là UBND TP Huế)”, luật sư Kỳ nói.