
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 7,96%, tăng cao thứ hai trong giai đoạn 2020-2025.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52%, mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực này là 8,14%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025.
Còn lại, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Giá trị tăng thêm của khu vực này là 3,51% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
6 tháng đầu năm, Việt Nam ước tính xuất siêu 7,63 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (12,15 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại là 432 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 14,4-17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm, 152.700 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, trung bình 25.500 đơn vị mỗi tháng. Trong khi đó, khoảng 114.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và rút lui khỏi thị trường, tức bình quân 21.200 đơn vị.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cũng cho thấy số doanh nghiệp lạc quan chiếm 35,7%. Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý III dự kiến tăng lên 43%.
CPI bình quân quý II tăng 3,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,16%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, nhìn nhận kinh tế – xã hội quý II và nửa đầu năm 2025 đạt được kết quả “rất tích cực”. Các chỉ số này tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn.
Song nửa cuối năm, nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bà cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn.
Đại diện cơ quan thống kê khuyến nghị các ngành, các cấp tăng cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, nhà điều hành cũng cần có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo thuận lợi để thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, theo bà Hương.
Phương Dung