Theo ông Hà Sỹ Đồng, việc lãnh đạo tham gia livestream bán hàng, trực tiếp cam kết sản phẩm bằng danh dự và trách nhiệm công vụ, sẽ tạo sức hút, trở thành hình thức “tiếp thị chính quyền” văn minh, hiệu quả.
Vài ngày trước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Thịnh trực tiếp tham gia livestream quảng bá vải thiều Lục Ngạn. Kết quả, hơn 54 tấn vải được “chốt đơn” trực tuyến. Ông Thịnh nói mục tiêu của mình là hỗ trợ người dân bán hàng hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử, giúp quả vải vươn xa hơn, không chỉ ở thị trường trong nước.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Đầu năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường – người phụ trách lĩnh vực nông lâm – cũng đã tham gia phiên livestream tại Hội chợ OCOP, trực tiếp cùng bà con bán nông sản chủ lực. Ông Cường chia sẻ hành động này xuất phát từ chủ trương đa dạng hóa tiếp thị sản phẩm của tỉnh, là sở thích cá nhân với nông sản OCOP và sự quan tâm đến tiềm năng của thương mại điện tử.
“Tôi luôn muốn đưa nông sản chủ lực của địa phương lên kinh doanh trực tuyến, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ”, ông Cường nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường (giữa) tại phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: NVCC
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (nguyên quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) nhận định xu hướng lãnh đạo “lên livestream” quảng bá sản phẩm là một biểu hiện tích cực, thể hiện tinh thần đổi mới và sự gần dân của chính quyền địa phương.
Theo ông, khi người lãnh đạo tự tay giới thiệu, quảng bá sản phẩm và livestream thì điều được lan tỏa vượt xa một món nông sản đơn thuần. Đó là niềm tin vào chất lượng, là sự bảo chứng cho uy tín của địa phương, và người dân cảm nhận được sự đồng hành của chính quyền. Hiệu ứng không chỉ nằm ở giá trị kinh tế, mà còn tác động đến tâm lý xã hội, khơi dậy sự tự hào với sản phẩm địa phương, nâng cao giá trị nông sản và củng cố niềm tin cho người sản xuất.
“Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, hành động trực tiếp cam kết sản phẩm bằng danh dự và trách nhiệm công vụ của lãnh đạo sẽ tạo sức hút lớn với người tiêu dùng. Đây là một hình thức tiếp thị chính quyền văn minh và hiệu quả”, ông Hà Sỹ Đồng nói.
Nhắc lại thời gian làm lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ông chia sẻ luôn coi việc hỗ trợ người dân phát triển sản phẩm chủ lực là yếu tố trung tâm trong phát triển kinh tế nông thôn. Ông từng cùng người dân đi xúc tiến thương mại tại Hà Nội, TP HCM và một số thị trường quốc tế, giới thiệu những đặc sản gắn với điều kiện địa phương như cà phê Khe Sanh, cam K4 Hải Lăng hay chè vằng.
Ông khẳng định muốn người dân tin vào chương trình nông thôn mới, chính quyền cần thể hiện bằng hành động cụ thể, tạo sinh kế bền vững, không chỉ dừng lại ở tiêu chí và báo cáo. Chính các sản phẩm nông nghiệp “sẽ tạo nên những vùng quê đáng sống”, nơi người dân vừa có thu nhập ổn định, vừa tự hào về giá trị bản địa.

Ông Hà Sỹ Đồng thăm và chúc Tết nông dân khi đi thực tế tình hình phát triển nông nghiệp tại địa phương. Ảnh: Hoàng Phong
“Xỏ chân vào giày của dân” và tư duy kinh tế thị trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HALCOM Việt Nam) cũng ủng hộ việc lãnh đạo trực tiếp tham gia bán hàng, coi đây là tín hiệu tích cực cho phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh để tăng trưởng bền vững cần tăng thu nội địa, trong đó tiêu thụ hàng hóa, nông sản là một kênh hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một số lưu ý. Đó là khi lãnh đạo quảng bá sản phẩm, sự trung thực và liêm chính phải được đặt lên hàng đầu để tránh xung đột lợi ích. “Nếu cùng một loại nông sản nhưng chỉ quảng bá cho một hãng mà bỏ qua hãng khác, điều này có thể gây thiệt hại cho một số hộ kinh doanh, dù mục tiêu là tốt và hướng đến lợi ích chung”, ông phân tích.
Ông cũng lưu ý lời nói của lãnh đạo cần chính xác, bởi chỉ cần có sơ suất, không kiểm tra kỹ trước khi công bố, việc quảng cáo có thể mang lại hậu quả không mong muốn. Để hạn chế rủi ro, ông đề xuất lãnh đạo chỉ nên chọn sản phẩm phổ biến, đặc trưng của địa phương để quảng bá, tránh quảng cáo riêng cho từng doanh nghiệp cụ thể.
Đại biểu Huân cho rằng giống như các thị trưởng ở một số quốc gia phát triển thường xuyên tiếp xúc doanh nghiệp và người dân để nắm tình hình, lãnh đạo địa phương cũng cần “xỏ chân vào giày của dân”. Nếu không hiểu ngành nghề, không biết cách người dân trồng trọt, chăm sóc sản phẩm, thì quảng cáo sẽ thiếu sức thuyết phục. Khi chia sẻ được khó khăn, thuận lợi trong sản xuất, lời nói mới có trọng lượng.
“Khi nói từ vị trí của người đã trải nghiệm, lời quảng cáo không còn là lời nói suông”, ông Huân nhấn mạnh. Ông cũng ủng hộ lãnh đạo trẻ đẩy mạnh thương mại điện tử, bởi trong thời đại số, sản phẩm dù tốt đến đâu cũng khó tiếp cận người tiêu dùng nếu không được quảng bá đúng cách.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh một người lãnh đạo không thể hiểu thực tế đời sống nếu chỉ ngồi họp, đọc báo cáo và nghe tham mưu. “Bước ra khỏi phòng họp” không phải là hành động hình thức, mà là nguyên tắc lãnh đạo cần có. Khi đến nơi người dân đang làm ăn, lãnh đạo mới thấy được vấn đề cần giải quyết, nguồn lực còn tiềm ẩn.
Trong thời gian công tác tại Quảng Trị, ông Đồng yêu cầu cán bộ phải “đi cơ sở” như một công việc thường xuyên: đi chợ quê để biết sức mua, xuống đồng để hiểu người nông dân, đến xưởng để nắm bắt vướng mắc về vốn, thủ tục. Những chuyến đi đó không chỉ giúp việc chỉ đạo chính xác, mà còn xây dựng quan hệ tin cậy giữa chính quyền và người dân.
“Tôi cũng luôn khuyến khích lãnh đạo trẻ rèn luyện tác phong gần dân, nói đi đôi với làm, hành động cụ thể, không ngại va chạm. Khi người dân thấy chính quyền đồng hành, họ sẽ chủ động đổi mới, mạnh dạn đầu tư và phát triển”, ông Đồng chia sẻ.
Ông kỳ vọng thế hệ lãnh đạo trẻ sẽ dám đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bản lĩnh chính trị thôi là chưa đủ, họ cần có tư duy kinh tế, kỹ năng số, truyền thông và sự hiểu dân. Ông mong cán bộ trẻ không ngại đi chợ, xuống đồng, vào xưởng.
“Chúng ta cần một thế hệ lãnh đạo cùng nghĩ, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm. Như vậy mới có thể biến địa phương mình thành nơi phát triển dựa trên bản sắc và nội lực”, ông Đồng nói.
Phó chủ tịch Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cũng cho rằng việc lãnh đạo rời phòng họp để gần dân hơn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội là điều cần làm. “Đôi khi chúng tôi nhận thấy có lúc, có việc chưa thực sự sâu sát với địa phương, cơ sở. Đó là động lực để thay đổi và thử những cách làm mới như tham gia bán hàng cùng người dân”, ông nói.
Sơn Hà