
Các sàn thương mại điện tử lớn đều đã triển khai đến các chủ shop để chuẩn bị cho mốc 1-7 – Ảnh chụp màn hình
Theo ghi nhận trước giờ G, các sàn cũng ráo riết thông báo về chính sách mới, nhiều người bán hàng cũng liên tục cập nhật, chỉnh sửa thông tin.
Người bán ngóng chờ
Kinh doanh đồ nội thất (kệ sách, giường, bàn gỗ…) có giá dao động từ 300.000 đồng/sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, anh Hải Nam (TP.HCM) cho rằng trước kia cảm thấy rất rối, cả nhà phải tìm hiểu để tránh bị sai phạm về nghĩa vụ thuế. “Sắp tới sàn nộp hộ thì mình khỏe hơn xíu, đơn thủ tục rườm rà. Thấy vậy chứ đỡ tốn thời gian lắm đó”, anh nói.
Chị Thanh Thảo (buôn bán trên sàn Shopee) cho biết mới nhận được thông tin từ sàn, báo phải cập nhật lại đúng và đủ thông tin thuế và định danh, trước ngày 1-7. Sàn cũng cảnh báo, nếu không làm kịp thời thì tài khoản của cửa hàng online “có nguy cơ bị giới hạn hiển thị”.
“Bắt buộc mình phải làm theo để tuân thủ pháp luật. Sàn không cấn trừ nộp thay thì cuối cùng bản thân mình cũng phải nai lưng đi làm. Thà như vậy còn hơn là bị truy thu thuế và bị phạt”, chị Thanh Thảo cho hay.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, rất nhiều nhà bán hàng đang nỗ lực hoàn tất giai đoạn cuối để đáp ứng quy định mới. Đáng chú ý, không ít cá nhân bán hàng trên sàn thương mại điện tử vẫn chưa có mã số thuế.
Do đó, họ tạm thời cung cấp mã định danh cá nhân (số căn cước công dân) trước cho sàn, đồng thời gấp rút đăng ký tạo mã số thuế để sàn thuận tiện khấu trừ và nộp thuế tại nguồn.
Hoạt động trên sàn nhiều năm nay, anh Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Sớm muộn gì cũng phải điền đầy đủ thông tin để sàn nộp thuế, không trốn đâu được. Mình phải chấp hành, chứ không rủi ro sẽ lớn hơn”.
Việc khấu trừ thuế tại nguồn không chỉ giúp chống thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo áp lực minh bạch hóa hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Người bán muốn chứng minh chi phí đầu vào phải có hóa đơn hợp pháp, từ đó hạn chế hàng trôi nổi. Đồng thời, việc sàn kết nối thanh toán và báo cáo dữ liệu cho cơ quan thuế cũng góp phần khiến hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc khó qua mặt hơn.

Tính toán tăng giá, mong công bằng
Theo quy định, khi giao dịch mua bán được xác nhận và thanh toán hoàn tất, hệ thống của các sàn sẽ tự động khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân trước khi chuyển tiền cho người bán.
Mức khấu trừ cụ thể là 1% VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân đối với hàng hóa; 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân đối với dịch vụ.
Trong bối cảnh sàn thương mại điện tử dồn dập tăng phí cũ và bổ sung thêm các loại phí mới, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ thuế, anh Nguyễn Thanh Hải cũng tính toán cần cân đối lại giá bán phù hợp, tránh việc thấy có doanh thu nhưng sau khi trừ hết chi phí lại bị thua lỗ.
Nhiều năm bán quần áo thời trang thiết kế dành cho nữ, chị Như Hương (TP.HCM) cho biết giá bán dao động từ 900.000 đồng đến gần 3 triệu đồng/sản phẩm. Sau khi sàn tăng nhiều loại phí, kèm theo chính sách thuế phải tuân thủ, cửa hàng chị quyết định tăng thêm 10% giá bán so với trước kia.
Song song đó, chị cũng rút bớt một số sản phẩm giá trị cao khỏi sàn, hạn chế cập nhật các mẫu mới, để tạo sức hút cho khách tới trải nghiệm trực tiếp ở cửa hàng tại quận 1 (TP.HCM).
Chung ngành thời trang nữ, chị Mỹ Châu hiện vận hành song song gian hàng trên 2 nền tảng Shopee, TikTok Shop và một cửa hàng nhỏ tại quận 3. Hơn 95% sản phẩm của chị là đầm dài nữ, có giá từ 1,2 – 2,5 triệu đồng/chiếc.
Trước áp lực phải cân đối nhiều chi phí, từ phí nền tảng, thuế đến các rủi ro khi thị trường biến động, trong khi việc tăng giá có thể khiến mất khách, chị Châu nỗ lực tìm cách cắt giảm tối đa nhiều hạng mục, kể cả trước kia từng cho là quan trọng.
“Những năm trước mình còn đầu tư chụp Lookbook (bộ ảnh giới thiệu – PV) cho mỗi bộ sưu tập mới, nhưng năm nay đã cắt hoàn toàn, tiết kiệm được 30 – 40 triệu đồng/lần chụp. Hiện mình chỉ dồn toàn lực để giữ chất lượng sản phẩm thật tốt”, chị nói.
Kinh doanh đồ gia dụng trên sàn thương mại điện tử, anh Minh Tâm (TP.HCM) cho biết riêng các loại thuế và phí nền tảng đã chiếm khoảng 20% doanh thu. Chẳng hạn, cứ bán 100.000 đồng, anh phải đóng khoảng 20.000 đồng cho sàn, chưa kể phí nhân công, đóng gói, điện nước, thuê kho… khiến tổng chi phí vận hành có thể lên tới 45 – 50% doanh thu.
Tuy nhiên, điều khiến anh Tâm lo lắng hơn cả là sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các tiểu thương nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam qua các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. “Hàng bên họ được đẩy thẳng về Việt Nam với giá tận xưởng, giao tận tay người mua, không qua trung gian nên giá rất rẻ.
Việc kiểm soát chất lượng cũng không biết ra sao. Nếu không có chính sách thuế hợp lý và công bằng hơn, những cửa hàng nhỏ như chúng tôi thật sự rất dễ kiệt sức”, anh Minh Tâm nói. Đó cũng là nỗi lo của rất nhiều người bán hàng qua sàn thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay.
Sàn tất bật lo hệ thống, hướng dẫn người bán
Trao đổi với Tuổi Trẻ, sàn thương mại điện tử Shopee – chiếm thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay – cho biết đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng, hội thảo trực tiếp và trực tuyến nhằm phổ biến chính sách thuế mới một cách dễ hiểu và kịp thời đến cộng đồng người bán hàng tại Việt Nam.
Mục đích nhằm giúp “nhà bán hàng nắm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ thuế; tăng khả năng tuân thủ và thích ứng với chính sách mới; đồng thời đảm bảo thực hiện đúng quy định ngay từ những ngày đầu nghị định có hiệu lực”, đại diện Shopee chia sẻ.
Trước đó từ giữa tháng 5, sàn này đã hướng dẫn người bán hàng cập nhật thông tin thuế và thông tin định danh để chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hiện hữu nhằm sẵn sàng triển khai quy định về kê khai thay, nộp thuế thay.
Bên cạnh đó, “Chúng tôi cũng xây dựng chuỗi nội dung hướng dẫn đa dạng và tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người bán như: hội thảo trực tuyến, chuỗi video, bài viết chia sẻ với nội dung thực tiễn, khuyến khích các nhà bán chủ động tìm hiểu chính sách, triển khai đồng loạt trên các kênh truyền thông dành cho người bán (như học viện Shopee, các hội nhóm người bán Shopee trên mạng xã hội)… nhằm giúp nhà bán hàng từng bước nắm bắt thông tin, hiểu đúng – làm đúng”, đại diện sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện sàn Lazada Việt Nam cũng cho hay đang triển khai nhiều bước chuẩn bị, như: rà soát và nâng cấp hệ thống vận hành nội bộ để đảm bảo tuân thủ quy định về kê khai và khấu trừ thuế; chuẩn bị thông báo, tài liệu hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ cụ thể cho nhà bán hàng nhằm đảm bảo họ nắm rõ nghĩa vụ thuế và thực hiện đúng từ ngày 1-7;
Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, nhằm bảo đảm việc triển khai được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật… “Chúng tôi tin rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa nền tảng, cơ quan quản lý và cộng đồng người bán sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh và phát triển bền vững”, đại diện Lazada Việt Nam nói.
Đại diện nền tảng TikTok Shop cũng khẳng định đã thông báo và hướng dẫn chi tiết đến người bán hàng trên nền tảng. Nền tảng này đặc biệt lưu ý người bán phải cung cấp các thông tin chính xác bao gồm tên hợp pháp, số căn cước công dân và loại hình kinh doanh để đảm bảo việc khấu trừ, khai báo và nộp thuế diễn ra chính xác.
Đại diện TikTok Shop còn cho biết đang phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, tiểu thương, các KOL, KOC và lực lượng lao động trẻ nâng cao hiểu biết về pháp lý – thuế trong thương mại điện tử…
Rà soát dữ liệu người kinh doanh trên nền tảng số
Riêng trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Mạnh Cường, phó cục trưởng Cục Thuế, kiêm chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực 1 (quản lý thuế địa bàn Hà Nội và Hòa Bình), cho biết riêng 6 tháng đầu năm, số thu thuế thương mại điện tử tăng mạnh, ước đạt 24.000 tỉ đồng.
Đa phần số thuế này là của các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước.
Từ 1-7, sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán sẽ nộp thuế thay người bán hàng trên sàn là hộ và cá nhân kinh doanh đối với doanh thu phát sinh trên sàn.
Cũng theo Cục Thuế, cơ quan thuế các cấp đã hướng dẫn sàn thương mại điện tử, nền tảng số trong và ngoài nước thực hiện kê khai thay, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và nền tảng số.
Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã và đang triển khai rà soát, thu thập thông tin, dữ liệu về người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phục vụ công tác quản lý thuế.